Chung sức, chung lòng
Buổi sáng đầu tiên của mùa Xuân 2019 này, đến làng Klũh, câu chuyện xôm tụ nhất vẫn là, làm giàu. Nỗi ám ảnh với đói nghèo, xa cách đã chìm khuất vào dĩ vãng, có chăng chỉ còn trong những câu chuyện kể.
Bên căn nhà nức mùi sơn mới, ông Kpă Thành lần lại ký ức, mùa Xuân của hơn 10 năm trước thôi, đường vào làng lởm chởm. Muốn đi chơi Xuân phải cuốc bộ đến rạc chân mới ra đến thị trấn. Có lúc, đêm giao thừa còn mỗi hũ rượu với rau dưa.
Trong điều kiện khó khăn đó, được cán bộ đến tuyên truyền, người dân thấm hiểu và bừng lên quyết tâm phải thoát khỏi đói nghèo. Ai cũng nhủ với lòng, thời chiến tranh, ác liệt đến thế còn một lòng đi theo cách mạng, thì giờ sao lại khuất phục “giặc nghèo, giặc đói”. Ánh sáng mới thắp lên trong tư tưởng, người làng nhận ra mấu chốt nhất của vấn đề là tính ỷ lại, thụ động và chưa đổi mới phương thức sản xuất. Từ đó, nhà nhà đi học trồng đậu, trồng cà phê, hồ tiêu theo khoa học-kỹ thuật. Người già bảo người trẻ hết việc này, phải làm việc khác, chỉ có no ấm thì mới có những mùa Xuân vui tươi trọn vẹn. Cuộc “lột xác” nhanh chóng hiện hữu, phương thức canh tác lạc hậu không còn tồn tại ở Klũh. Mọi ngả đường vào làng, Nhà nước vận động xây dựng đến đâu, người dân đồng lòng ủng hộ đến đó.
Phấn chấn đi trên những con đường bê tông, kết nối mọi buôn làng với nhau, ông Cù Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Ia Boòng chia sẻ: Làng Klũh có gần 130 hộ dân, trong đó gần 90% là đồng bào người Jrai, còn lại là Xơ-đăng, Ba Na… Làng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đưa vào Chỉ thị số 12, xây dựng thành làng kiểu mẫu người DTTS. Dẫu còn nhiều hạn chế so với các làng của người Kinh nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó tiếp nhận kiến thức mới, đã khiến cả làng Klũh chỉ còn vài hộ nghèo trong mùa Xuân Kỷ Hợi này.
Mỗi đảng viên, cán bộ ở Klũh như một tiên phong trong mọi phong trào, luân phiên nhau xuống nhà dân để hướng dẫn làm nhà vệ sinh, tiêu diệt loăng quăng, ngủ màn, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, cải tạo vườn tạp, tiếp cận các ấn phẩm văn hóa, hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch, tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động…
Chuyển mình no ấm
Khi lòng người Klũh trăm người như một, các Chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cùng thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Cùng xây dựng làng sức khỏe”, “Phát huy gia đình hiếu học”… triển khai đến đâu, người dân hưởng ứng đến đó.
Tự hào là nơi được chọn xây dựng thành làng kiểu mẫu, chỉ trong thời gian ngắn, người làng Klũh đã xung phong đóng góp hơn 100 triệu đồng cho chính quyền xây dựng, tu sửa nhà cộng đồng, cổng chào… Ước vọng về những con đường láng mịn, làng cũng đã hiến hơn 1.600m2 đất cho Nhà nước làm đường giao thông nông thôn.
Xa rồi những ngày uống rượu cồn đến mềm môi, Kpă Long bộc bạch: Không lâu trước, có mỳ, có ngô, có lúa bao nhiêu đều bán đi mua rượu uống cho hết rồi mới đi làm. Không có tích lũy, gặp mùa mưa xối hay nắng hạn, mất mùa đói lả người. Nay đã khác rồi, người trẻ Klũh biết tiết kiệm, biết giữ gìn văn hóa truyền thống, biết học làm giàu. Tinh thần tự tin rồi có ngày làng như đô thị đã tồn tại trong tâm trí mỗi người.
Nhìn trẻ con ở làng Klũh thi đua học tập, những người già và cán bộ như ông Kpă Vươn trỗi dậy khát vọng, rồi những đứa trẻ ấy sẽ tiếp nối xây dựng làng, xây dựng quê hương, đất nước. Klũh đã có nhiều tổ nhóm thi đua học tập với nhau. Gia đình nào có con học giỏi được tuyên dương. Trẻ con người Jrai hay Ba Na bây giờ đều ham học như trẻ con thành phố. Giáo viên cắm bản hay ở các điểm trường chẳng còn phải quá vất vả vượt rừng, xuyên đêm đi vận động đến lớp nữa.
Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì Klũh đã đạt được 17 tiêu chí, dự tính trong năm 2019 này sẽ đạt cả 19 tiêu chí. Vươn lên từ phong trào làm giàu trên đất làng, Rơ Châm Chuin chia sẻ: Ban đầu lớp thanh niên, trai tráng của làng ai cũng nghĩ lên phố học kỹ thuật trồng cà phê giống mới khó lắm nên ngại. Nhưng cứ chăm chỉ rồi cũng học được hết. Từ làng đến xã, huyện, tỉnh… ở đâu có lớp tập huấn cách trồng trọt, chăn nuôi mới là mình kéo trai làng đi.
Từ 320 gốc cà phê còi cọc, trồng xong bỏ đó, anh Chuin đã biết áp dụng kỹ thuật cắt cành, bón phân, làm cỏ, tưới nước, thay giống mới. Chẳng mấy chốc vườn cà phê trĩu trái, thu lời hàng trăm triệu mỗi năm. Thấy diện tích đất hoang hóa của làng còn nhiều, Chuin còn kéo cánh đàn ông đi vỡ vạc trồng tiêu. Gặp ai anh cũng kiên định câu nói “Rồi đất bạc màu cũng thành của cải, thành nhà mới, xe máy, ti vi… nếu bà con thay đổi tư duy”.
Chứng kiến những bàn tay cần mẫn bên những chiếc máy bóc tách cà phê hoạt động từ sáng đến tối mịt, anh Nguyễn Văn Tiền, Bí thư Đoàn xã Ia Boòng hồ hởi: Không khí sản xuất theo kỹ thuật mới ở Klũh phát triển rất mạnh mẽ. Làng người DTTS nào cũng thế này thì cái nghèo sẽ không còn nữa. Anh Chuin là gương sáng trong việc đột phá làm giàu. Người Jrai, Ba Na nào cần kỹ thuật mới, anh Chuin sẵn lòng truyền lại. Đây sẽ là nòng cốt để hình thành các Câu lạc bộ thanh niên làm giàu.
ĐÔNG HƯNG