Những căn nhà “xây vội”
Dù dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 mới ở giai đoạn bàn giao cắm mốc mặt bằng cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, thậm chí có nơi chưa tiến hành cắm mốc mặt bằng, nhưng nhiều hộ dân nơi đây đã tranh thủ thiết lập tài sản trên đất nhằm trục lợi giá đền bù.
Có mặt tại đường Hồ Chí Minh nhánh đông, đoạn qua các xã Phú Thủy, Sơn Thủy, thị trấn nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) những ngày giữa tháng 3/2022, chúng tôi bắt gặp rất nhiều công trình nhà ở, nhà xưởng, chuồng trại, vườn cây vừa được người dân xây dựng. Đó là những công trình bằng gạch không nung, lợp phibroximang… được xây lên với tốc độ thần tốc, ngay trên khu vực đất mà người dân cho rằng đường cao tốc Bắc Nam sẽ chạy qua.
Qua khảo sát sơ bộ tại xã Phú Thủy, Sơn Thủy và thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy có hàng chục công trình của người dân đang làm dở, vật liệu xây dựng đổ ngổn ngang. Một hộ dân ở xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) phân trần: Nghe người ta bảo là đường cao tốc Bắc Nam sẽ đi qua phần đất khu vực tôi đang sống, nên tôi cũng xây dựng lên nhà tạm, h6y vọng sau này có được đền bù.
Ông Lê Văn Diễm, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) không dấu diếm: Khoảng 3 tuần qua, địa phương đã lập biên bản xử lý đối với 18 trường hợp xây dựng các công trình nhà kho, trang trại, lán trại với diện tích lớn trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Trong đó, 3 trường hợp được phát hiện vừa xây dựng mới dù đã được chính quyền nhiều lần thông báo, tuyên truyền.
Tương tự, tại huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, thông tin: Qua kiểm tra, địa phương đã phát hiện 12 hộ dân trên địa bàn có đất ở nằm trong phạm vi cao tốc Bắc Nam đi qua đã xây công trình phụ trợ, rất tạm bợ. Chúng tôi đã đình chỉ việc xây dựng của các hộ này.
Thực tế, tình trạng này cũng đang diễn ra tại tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh. Tại tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều trường hợp xây dựng, cơi nới công trình, trồng cây trên phần đất cắm mốc xây dựng đường cao tốc Bắc Nam. Ngay tại thị xã Kì Anh, đã có 24 trường hợp vi phạm.
Còn tại các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê và thị trấn Bến Quan huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cũng đã có nhiều căn nhà mới xây dựng rất thần tốc trên đất ở, đất lâm nghiệp đang trồng cây keo, cây cao su. Ngoài các công trình như nhà, chuồng trại, người dân còn trồng một số loại cây ở các vị trí mà cơ quan chức năng vừa cắm tạm mốc mặt bằng.
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), liên quan đến việc kiểm tra trật tự xây dựng trong phạm vi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh cho thấy: xã Vĩnh Khê đã lập biên bản vi phạm 21 trường hợp; Vĩnh Sơn 4 trường hợp; thị trấn Bến Quan 9 trường hợp; Vĩnh Hà 23 trường hợp vì xây dựng nhà ở, chuồng trại, cơi nới công trình trên các đất.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo hồ sơ thiết kế, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, qua ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị dài 267km.
Những ngày qua, khi có thông tin dự án, nhiều hộ dân đã xây dựng, cơi nới nhà ở, chuồng trại, trồng cây… trên phần đất mà dự án đi qua, là thực tế không thể chối cãi tại một số tỉnh vùng Trung Bộ. Ở góc độ quản lý nhà nước, để xảy ra câu chuyện người dân thiết lập tài sản trên đất, nhằm chờ đợi tiền đền bù là trách nhiệm của chính quyền sở tại.
Ông Nguyễn Xuân Tường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho rằng: Nhiều hộ cố tình tạo lập tài sản trên đất nông nghiệp, đất vườn. Một số trường hợp xây dựng trái quy định. Sau khi nắm được tình hình, huyện đã chỉ đạo các xã có giải pháp ngăn chặn; đồng thời tổ phản ứng nhanh của huyện cũng kiểm tra lập biên bản để làm cơ sở sau này thực hiện GPMB đúng quy định. Nhiều trường hợp vi phạm sẽ không được bồi thường.
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cũng đã quán triệt, Chủ tịch UBND xã, thị trấn nào thiếu trách nhiệm, lơ là, chủ quan, buông lỏng quản lý dẫn đến việc để xảy ra tình trạng vi phạm trên diện rộng, xử lý vi phạm thiếu cương quyết và thiếu kịp thời, thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện theo quy định.
Tuy nhiên, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cũng nhìn nhận: do địa bàn lớn, cán bộ không thể quán xuyến hết và nắm bắt cụ thể nên đã xảy ra những trường hợp vi phạm.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, trong cuộc họp triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Bắc Nam chiều 24/3, ông Võ Trọng Hải Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu, các địa phương có tuyến cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tuyệt đối không để xây dựng, cơi nới các công trình để chờ đền bù. Ông Hải nhấn mạnh, người đứng đầu xã, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong phạm vi dự án.
Ở Quảng Trị, thành phần dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ (cao tốc Bắc Nam) có chiều dài dự kiến 68km, với tổng mức đầu tư khoảng 10.591 tỷ đồng. Trong đó, đoạn đi qua huyện Vĩnh Linh hiện đã được UBND tỉnh chỉ đạo thống nhất hướng tuyến, cụ thể đi qua địa giới hành chính 4 xã gồm Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy và thị trấn Bến Quan, với chiều dài 14,4km.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay: Việc các hộ dân ồ ạt xây dựng công trình, trồng cây trái phép tại các khu vực, địa điểm dự kiến tuyến đường đi qua để chờ đền bù, UBND tỉnh Quảng Trị đã nắm bắt.
"Đơn vị nào không chủ động chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh, không báo cáo cụ thể để giải quyết các nội dung vượt quá thẩm quyền, thì đơn vị, địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm", ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND nhấn mạnh.