Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Công trình thủy lợi Đăk Drô: Bi hài chuyện đền bù giải phóng mặt bằng

Lê Hường - Hoàng Tiến - 15:03, 10/04/2020

Để thực hiện dự án mở rộng công trình thủy lợi Đăk Drô, từ năm 2017, UBND huyện Krông Nô (Đăk Nông) đã lên phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Chuyện bi hài là, danh sách người nhận đền bù liên tục thay đổi, người không có đất được nhận tiền, còn người mất đất lại trắng tay.

Một phần công trình thủy lợi Đăk Drô
Một phần công trình thủy lợi Đăk Drô

Công trình thủy lợi Đăk Drô tại buôn K26, xã Đăk Drô, huyện Krông Nô được UBND tỉnh Đăk Nông phê duyệt bổ sung một số hạng mục lòng hồ từ giữa tháng 5/2015. UBND huyện Krông Nô được giao lên phương án đền bù, hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng.

Sau khi đo đạc, rà soát, ngày 22/6/2017, UBND huyện Krông Nô đã chốt danh sách, chi trả cho 19 hộ bị thu hồi đất với tổng diện tích 143.059m2; tổng kinh phí được đền bù, hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng. UBND huyện giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Krông Nô (TTPTQĐ - nay là Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Krông Nô) cho các hộ dân tạm ứng 50% số tiền được phê duyệt đền bù.

Tuy nhiên, sau đó người dân địa phương đã phát hiện và tố cáo TTPTQĐ Krông Nô đã chi trả nhầm cho nhiều đối tượng không có đất, hoặc thiệt hại ít nhưng được kê khai số tiền được đền bù lớn. Do đó, UBND huyện Krông Nô chỉ đạo tạm ngừng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; giao các đơn vị liên quan tiến hành xác minh, thẩm định lại kết quả đo đạc.

Tháng 5/2018, TTPTQĐ huyện Krông Nô đưa ra danh sách chỉ có 15 hộ thuộc diện đền bù, nhưng vẫn không đúng thực tế; nhiều người trong danh sách mới này không có đất bị ảnh hưởng bởi dự án. Tiếp tục sửa sai, tháng 6/2019, UBND huyện phê duyệt danh sách đền bù hỗ trợ mới, theo đó loại 13 hộ kê khống, chỉ còn 6 hộ với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, giảm gần 6 tỷ đồng so với số tiền đền bù lần đầu.

Tuy nhiên, những người mất đất thực sự vẫn không được nhận đền bù. Điển hình như bà Trần Thị Thường, buôn K26, xã Đăk Drô có 1,5ha đất sản xuất và 2 sào ao nuôi cá nằm ngay dưới chân đồi, gần với hồ thủy lợi nên bị ảnh hưởng nặng khi mở rộng hồ. Thế nhưng, trong tất cả các quyết định danh sách đền bù, hỗ trợ, gia đình bà Thường đều không có tên.

Người dân bị ảnh hưởng tiếp tục tố cáo. Tháng 9/2019, Công an huyện Krông Nô đã vào cuộc điều tra, thu thập đầy đủ các loại hồ sơ. Từ kết quả điều tra của Công an, đầu năm 2020, UBND tỉnh Đăk Nông liên tiếp ra hai công văn chỉ đạo UBND huyện Krông Nô xem xét kiểm điểm, xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc vi phạm trong công tác bồi thường, hỗ trợ tại công trình thủy lợi này.

Sau đó, UBND huyện Krông Nô đã ban hành các quyết định hủy quyết định thu hồi đất trước đó; đồng thời thu hồi toàn bộ tiền tạm ứng đền bù mà người dân đã nhận năm 2017.

Ngày 26/2/2020, Hội đồng kỷ luật huyện Krông Nô đã họp và đưa ra các hình thức kỷ luật về mặt hành chính đối với các cá nhân liên quan. Theo đó, nhiều cán bộ bị kỷ luật ở những mức độ khác nhau.

Đối với số tiền đền bù đã chi trả sai, theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, huyện đã thông báo trực tiếp gửi đến các hộ gia đình được nhận tạm ứng nộp lại, nhưng đến nay còn một số hộ chưa thực hiện. Ông Ánh cho biết trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm đang được Công an tỉnh Đăk Nông tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.