Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Di dân, tái định cư để xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện: Cần giải quyết căn cơ, bền vững

PV - 16:48, 02/04/2018

Nhiều thập kỷ qua, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã tiến hành xây dựng nhiều công trình thủy lợi, thủy điện. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc xây dựng các công trình này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, chính sách di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện dù được quan tâm nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đến năm 2017, trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên đã xây dựng 81 dự án thủy lợi, thủy điện thuộc 15/19 tỉnh. Các dự án này đều phải thực hiện giải phóng mặt bằng, đền bù, di dời, tái định cư. Tổng số dân phải di dời, tái định cư gần 30.000 hộ với 130.000 khẩu. Chính sách hỗ trợ di dân, tái định cư đã tổ chức di chuyển được gần 26 nghìn hộ, trên 124 nghìn nhân khẩu, đạt 86,3% kế hoạch. Đã giao gần 27 nghìn ha đất các loại cho trên 17 nghìn hộ tái định cư. Bình quân đất ở từ 400-500m2/hộ; đất sản xuất đạt 1,2-1,5 ha/hộ. Tại các điểm tái định cư các công trình, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Cuộc sống của đồng bào di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện bị ảnh hưởng lớn…Ảnh: minh họa Cuộc sống của đồng bào di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện bị ảnh hưởng lớn…Ảnh: minh họa

 

Tuy nhiên, một số chính sách tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất để xây dựng các công trình thủy điện chưa thống nhất; mức bồi thường, hỗ trợ khác nhau giữa các dự án. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ. Việc xả lũ các hồ chứa trong mùa mưa gây nguy hiểm, ngập lụt cho hạ lưu. Nhiều diện tích rừng bị phá; hầu hết diện tích trồng lúa, hoa màu bị ngập. Môi trường sinh thái thay đổi, nhiều loài động, thực vật không còn. Cuộc sống, sinh hoạt của đa số người dân bị tác động, ảnh hưởng, đảo lộn. Đa số người dân sau khi di dời, tái định cư cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định… Thống kê gần đây nhất cho thấy, có tới 46% số hộ tái định cư thuộc diện hộ nghèo.

Về nguyên nhân, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi xây dựng các công trình thủy điện đã thiếu một quy hoạch bài bản và tầm nhìn dài hơi do trình độ quản lý của một số ngành liên quan đến công tác di dời, tái định cư còn nhiều hạn chế. Chính sách đền bù, tái định cư mới chỉ dừng ở việc đền bù sử dụng đất và các tài sản bị thiệt hại trực tiếp, chưa tính đến các thiệt hại gián tiếp về thu nhập, kinh tế như lợi thế từ vị trí kinh doanh, đánh bắt cá, sản phẩm rừng… khiến người dân gặp nhiều khó khăn.

Nhằm đánh giá chính sách, có giải pháp ổn định dân cư di dân, tái định cư các công trình thủy điện, mới đây, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã làm việc với một số bộ, ngành liên quan về chính sách di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát và khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, bồi thường di dân và tái định cư đối với các công trình thủy điện, thủy lợi trên cả nước. Từ đó có giải pháp nhằm đảm bảo được phát triển kinh tế gắn với đảm bảo môi trường và đời sống của nhân dân vùng dự án. Có giải pháp quy hoạch, lập dự án, di chuyển ổn định cuộc sống cho người dân di cư. Giao cho một cơ quan thống nhất quản lý, làm đầu mối theo dõi quá trình thực hiện. Cần thực hiện phân cấp, quy định rõ nguồn vốn tái định cư, cả người dân di dời và người dân sở tại phải được tham gia thảo luận trực tiếp vào quá trình dời chuyển tái định cư...

Theo ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nên giao cho địa phương làm chủ đầu tư dự án di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện vì chính quyền địa phương rất sâu sát với người dân cũng như hiểu bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào để đưa ra những quyết định phù hợp…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết: Người dân bị ảnh hưởng của vùng dự án thủy lợi, thủy điện phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn. Bức tranh di cư cần được đánh giá, nhìn theo quy luật tự nhiên nhất. Các chính sách đã thực hiện nhiều, nhưng thiếu nguồn lực, nhiều nội dung chưa phù hợp, một số bất cập sẽ kiến nghị điều chỉnh trong thời gian tới để đồng bào di dân, tái định cư có cuộc sống ổn định, bền vững.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.