Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng công trình chờ đền bù GPMB dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam: Kiên quyết không đền bù và xử lý nghiêm vi phạm (Bài 2)

Thanh Nguyễn - 14:34, 06/04/2022

Trong quá trình thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở, dự án phát triển kinh tế -xã hội, phục vụ dân sinh, thì công tác GPMB luôn gặp khó và kéo dài nhất. Trên thực tế, rất nhiều vấn để nổi cộm đã xảy ra trong quá trình GPMB, khiến công trình không triển khai được như ý muốn. Tình trạng người dân phát sinh tài sản trên đất với mục đích chờ đền bù từ dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, cũng là một minh chứng gây ra nhiều khó khăn, thách thức không dễ giải quyết.

Một công trình xây dựng trên phạm vi đã được hướng tuyến tại xã Trung lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh
Một công trình xây dựng trên phạm vi đã được hướng tuyến tại xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Những khó khăn hiện hữu

Qua tìm hiểu thực tế, cán bộ ở nhiều địa phương cho biết, do nhiều vị trí chưa có mốc GPMB; chế tài xử phạt thấp (lập biên bản vi phạm hành chính); người dân thì lợi dụng đêm tối để xây dựng… khiến địa phương gặp khó khi xử lý các trường hợp thiết lập tài sản trên đất chờ đền bù.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) chia sẻ, huyện đã thành lập hội đồng GPMB, chia làm 3 tổ, mỗi tổ 5-6 cán bộ huyện phụ trách, phối hợp với các xã có tuyến cao tốc Bắc Nam đi qua để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là dự án lớn, liên quan hàng trăm ha, nhiều cán bộ cơ sở lần đầu tiếp cận khối lượng công việc lớn nên chưa có kinh nghiệm, thậm chí lúng túng. Trang thiết bị giám sát, ghi lại hiện trạng đất trước và sau khi cắm mốc, chỉ là máy điện thoại cá nhân  nhiều lúc thiết bị trục trặc sẽ gây khó khăn trong quá trình xử lý.

 Ngoài ra, chế tài xử phạt hành chính khoảng 5-10 triệu đồng, số tiền này không đủ sức răn đe vì nếu được hưởng đền bù thì số tiền cao gấp hàng chục lần khiến các hộ dân làm liều.

Tỉnh Hà Tĩnh họp bàn triển khai dự án cao tốc Bắc Nam
Tỉnh Hà Tĩnh họp bàn triển khai dự án cao tốc Bắc Nam

Đối với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đi qua huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhưng hiện nay các xã và huyện chưa nhận bàn giao mốc GPMB tại thực địa, chưa có văn bản pháp lý về quy hoạch, thu hồi đất. Do vậy, người dân đón đầu thông tin, phát sinh tài sản trên đất, cán bộ xã thì chưa có cơ sở giải thích để yêu cầu dân dừng thi công công trình.

Ông Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chia sẻ khó khăn: "Người dân hỏi văn bản thể hiện cao tốc đi qua khu đất thì chúng tôi không có. Họ nói làm lán trại để giữ tài sản nên không ngăn cản được. Một số điểm khi đoàn công tác đến thì người dân không hợp tác. Một số chủ công trình cư trú ở địa phương khác nên khi cơ quan chức năng đến xử lý chỉ gặp được thợ xây. Đoàn công tác của xã cũng chỉ làm việc ban ngày, trong khi dân xây dựng trong đêm, vào ngày nghỉ".

Thực tế hiện nay, các địa phương cũng đã lập biên bản các công trình mới phát sinh trên phạm vi khảo sát của dự án. Việc xử lý này, được dựa vào căn cứ của pháp luật về đất đai, đất nông nghiệp, lâm nghiệp không được xây dựng công trình. Song các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, yêu cầu người dân dừng thi công mà chưa tiến hành xử phạt.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình xác nhận: Lãnh đạo tỉnh đã ra văn bản để các địa phương ngăn chặn, không để người dân xây dựng các công trình trái phép, gây phức tạp tình hình và thêm thiệt thòi cho người dân, vì khâu đền bù giải phóng mặt bằng địa phương sẽ làm rất chặt chẽ.

Với những diện tích đã tiến hành cắm mốc, bàn giao mặt bằng, việc phát sinh tài sản trên đất đang gây ra nhiều khó khăn khó giải quyết. Theo đó, quá trình GPMB sẽ phải tiến hành cưỡng chế tài sản gây lãng phí tiền của của Nhân dân. Do mất tiền của nhưng không được đền bù, dẫn tới việc người dân cản trở gây khó cho công tác cưỡng chế.

Mặt khác, viêc phát sinh tài sản trên đất, ở nhiều nơi là do người dân bị xúi giục, kích động, tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tất cả những yếu tố này sẽ khiến việc GPMB thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam thêm khó khăn, tốn kém, kéo dài…

Những căn nhà mọc vội tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Những căn nhà mọc vội tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Kiên quyết xử lí nghiêm

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết: Trước thực trạng này, UBND huyện đã có chỉ đạo các đơn vị chức năng cùng các xã, thị trấn có tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam đi qua, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình để nghe báo cáo về công tác chuẩn bị, phối hợp triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án tỉnh và các địa phương thường xuyên báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về tiến độ và kết quả trong khâu đền bù, GPMB và bố trí TĐC. Bảo đảm sự chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sở theo phương châm “khó ở đâu, giải quyết đến đó”, tạo điều kiện nhanh nhất để dự án triển khai thuận lợi, bàn giao 70% mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 11/2022 như tiến độ đề ra.

Tương tự, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin: UBND tỉnh vừa đề nghị UBND các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ tăng cường công tác kiểm tra trật tự xây dựng trong phạm vi thực hiện dự án đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh. 

"Dự án cao tốc Bắc Nam là công trình trọng điểm của quốc gia, nên cần sự đồng thuận của người dân để dự án triển khai thuận lợi. Vì thế, tỉnh sẽ vận động người dân ủng hộ chủ trương thực hiện. Nếu các hộ dân cố tình vi phạm thì sẽ kiên quyết không đền bù và căn cứ vào quy định của pháp luật để có biện pháp xử lý phù hợp", ông Lê Đức Tiến nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.