Cuộc sống người dân khốn khổ
Hàng chục hộ dân sinh sống tại phường Ninh Dương, TP. Móng Cái đang từ nơi có nhà ở khang trang, trở thành sống tạm bợ tại các ngôi nhà tạm, thiếu thốn đủ bề. Có người phải “xin” ở nhờ nhà văn hóa suốt gần 3 năm nay.
Chúng tôi trực tiếp gặp ông Nguyễn Văn Dũng, người gửi đơn thư, tại ngôi nhà thuê gần 3 năm nay. Ông Dũng cho biết: “Chúng tôi ủng hộ lễ phát động 30 ngày đêm giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Sau khi bàn giao mặt bằng, TP. Móng Cái hỗ trợ 12 triệu đồng/6 tháng tiền thuê nhà. Nhưng đến nay thì gần 3 năm rồi, vẫn chưa có nơi tái định cư (TĐC) mới. Chúng tôi làm nông mà tháng nào cũng 2 triệu đồng tiền nhà, chưa kể tiền điện, đã thế nước phải dùng nhờ giếng khoan nhà hàng xóm, với giá 2 triệu đồng/năm, chưa biết đến bao giờ mới có nơi ở ổn định”.
Ông Dũng dẫn chúng tôi sang thăm gia đình ông Lương Công Thành, gia đình có 12 nhân khẩu đang phải sống trong ngôi nhà dựng tạm cạnh xưởng mộc. Tường nhà chính là những miếng tôn sắt bắn vào cột để che nắng, che mưa. Khu bếp phải căng những miếng nylon dày, trong để ánh sáng có thể vào nhà.
Ông Thành chia sẻ: “Từ ngày giải phóng mặt bằng đến nay đã gần 3 năm rồi, mùa này còn đỡ, chứ mùa hè không sao chịu nổi, vì tôn hấp nhiệt xuống. Gia đình tôi rất ủng hộ việc phát triển của TP. Móng Cái, ủng hộ việc xây dựng, nên bàn giao mặt bằng ngay. Nhưng họ thất hứa, gia đình tôi đã nộp 110 triệu đồng tiền mua đất chuyển đổi mục đích, rồi mà đến nay vẫn sống cảnh này, đang từ có nhà khang trang lại thành cái nhà tạm, cực khổ lắm rồi. Thử hỏi tiền chúng tôi nộp chậm thì bị tính lãi, thế tiền thu rồi mà không cấp đất cho chúng tôi thì tính sao?”.
Vì đâu nên nỗi?
Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi biết được, khi người dân ủng hộ lời kêu gọi 30 ngày đêm bàn giao mặt bằng, bảo đảm kịp tiến độ thi công Dự án, các phòng, ban chức năng của TP. Móng Cái đã tham mưu cho UBND TP. Móng Cái sắp xếp, bố trí TĐC cho các hộ dân ở khu đô thị Thành Đạt (Chợ tạm) tại phường Ninh Dương. Nhưng tại nơi TĐC, đất chật hẹp, giá tiền nộp cao, lại không có đất làm nông nghiệp, nên khó ổn định cuộc sống người dân, vì vậy các hộ dân đã làm đơn đề nghị UBND TP. Móng Cái xem xét, bố trí nơi TĐC mới.
Để bố trí khu ở TĐC hợp lý hơn cho người dân, theo chỉ đạo của UBND TP. Móng Cái, ông Hoàng Anh Ngọc, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND phường Ninh Dương đã hướng dẫn người dân đủ điều kiện TĐC, mua đất nông nghiệp của các hộ dân có đất nông nghiệp trên địa bàn (hiện ông Hoàng Anh Ngọc đã chuyển công tác - PV).
Việc chỉ đạo, hướng dẫn được thể hiện tại Biên bản “Họp thống nhất các hộ dân có diện tích đất nông nghiệp chuyển nhượng cho các hộ dân đủ điều kiện TĐC dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để chuyển mục đích đất ở” vào hồi 14h ngày 5/3/2019, tại nhà văn hóa khu Hồng Kỳ. Cuộc họp có sự tham gia của ông Lê Văn Khánh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Hồng Kỳ; bà Nguyễn Thị Xoan, Phó bí thư Chi bộ, Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ; ông Nguyễn Quốc Xá, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh; ông Phạm Tiến Lực, Phó khu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân. Về cấp phường, ông Lê Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Dương; ông Lưu Văn Điệp, cán bộ địa chính phường.
Biên bản này nêu rõ: “Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND phường, cán bộ phường và khu phố tổ chức họp các hộ dân có liên quan để thống nhất phương án nộp tiền mua đất nông nghiệp, để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất ở. Cụ thể như sau: Thống nhất phương án tạm thu các hộ dân 110 triệu đồng để mua đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích. Trong đó, có 5 triệu đồng ủng hộ khu làm đường điện cao áp. Các hộ dân thống nhất phương án nộp tiền cho Trưởng khu để chi trả hộ”.
Cũng ngay trong ngày 5/3/2019, các hộ dân đã thống nhất giá chuyển nhượng cho các hộ dân, bằng với giá được Nhà nước đền bù, là 222.000 đồng/m2.
Ngay sau khi có được sự thống nhất của các hộ dân tại cuộc họp nêu trên, UBND TP. Móng Cái đã trình cơ quan quản lý cấp trên, để đưa ra phương án bố trí TĐC cho người dân. Theo Văn bản số 2479/UBND-QLĐĐ1, ngày 16/4/2019 “về việc chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ bố trí TĐC tìm cho một số dự án trên địa bàn TP. Móng Cái”, trên cơ sở xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1740/TNMT-QHKH ngày 1/4/2019 “về việc chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ bố trí TĐC tự tìm cho một số dự án trên địa bàn TP. Móng Cái”.
Văn bản nêu rõ: “Việc bố trí TĐC, tránh việc lợi dụng chuyển mục đích tràn lan, bố trí sai đối tượng để trục lợi; chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa), chia lô, tách thửa đối với khu vực có diện tích đất nông nghiệp lớn không phải đất xen kẹp trong khu dân cư nhưng không lập quy hoạch chi tiết… UBND tỉnh yêu cầu UBND TP. Móng Cái rà soát lại toàn bộ các vị trí thành phố đề nghị chuyển mục đích tại Văn bản số 08/UBND-UBND ngày 10/1/2018. Chỉ cho phép tách thửa, chuyển mục đích sang đất ở bảo đảm các điều kiện xen kẹp trong khu dân cư, thửa đất vườn ao gắn liền với đất ở mà sau khi tách thửa, chuyển mục đích sang đất ở bảo đảm các điều kiện để xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật xây dựng... UBND TP. Móng Cái chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Quảng Ninh và trước pháp luật về việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính phải đúng quy định, giao đất đúng đối tượng.
Thực hiện hướng dẫn nhưng đất và tiền về đâu?
Trao đổi với ông Nguyễn Trung Đông, Phó Chủ tịch phường Ninh Dương cho biết: “Tôi mới về phường năm 2021, nên chỉ nắm được số lượng bị ảnh hưởng bởi dự án trên là 62 hộ, có 13 hộ đã tự tìm được đất nên chỉ còn 49 hộ cần bố trí TĐC. Sau đó, chúng tôi đã bố trí bốc thăm vị trí đất, có 18 hộ tham gia. Các hộ dân còn lại đang tự tìm đất TĐC, nhưng sau quá trình không tìm được mới nhờ chính quyền”.
Tuy nhiên, theo biên bản cuộc họp giữa chính quyền và các hộ dân nêu trên, thực hiện hướng dẫn của UBND TP. Móng Cái, thì số tiền 110 triệu đồng/hộ đã được các hộ dân nộp từ tháng 3/2019 và đã có những giao dịch chuyển đổi đất giữa các hộ dân được thực hiện. Cụ thể tại Hợp đồng mua bán đất đã được UBND phường Ninh Dương lưu lại tại Sổ công chứng số 03, quyển sổ 01 TP/CC-SCC/HĐGD. Hợp đồng do ông Trịnh Công Điệp, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Hòa Bình là người đại diện các hộ dân đủ điều kiện TĐC mua đất của ông Trịnh Văn Chinh.
Theo Hợp đồng mua bán ngày 20/1/2020, giữa ông Điệp và ông Trịnh Văn Chinh, hai bên thống nhất giao dịch mảnh đất nông nghiệp diện tích 137m2 có số tờ bản đồ 19, số thửa 244 và mục đích sử dụng trông lúa để chuyển đổi sang đất ở TĐC. Cùng với đó là rất nhiều biên bản bàn giao tiền có cả điểm chỉ tay. Nhưng đến nay, vẫn chưa thể chuyển đổi đất nông nghiệp để người dân ổn định cuộc sống.
Hàng loạt câu hỏi đang được dư luận đặt ra là, số tiền người dân đã nộp kể trên, lên đến hàng tỷ đồng hiện đang ở đâu? Việc ông Hoàng Anh Ngọc, nguyên Bí thư, Chủ tịch phường Ninh Dương chỉ đạo người dân đi mua đất nông nghiệp để chuyển đổi là đúng hay sai? Làm cách nào để với số tiền đền bù ít ỏi nhận được từ năm 2018 để người dân mua được đất TĐC vào thời điểm năm 2021?
Và khi nào người dân mới có thể thôi cảnh nhà tạm, cuộc sống “cơ cực” như lá đơn ông Nguyễn Văn Dũng cùng các hộ dân gửi phản ánh với tòa soạn báo Dân tộc và Phát triển về những bức xúc của mình...