Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xác lập dữ liệu để phân định vùng DTTS và miền núi

Hoàng Quý - 10:58, 06/09/2024

Phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để triển khai các chương trình, chính sách dân tộc. Để việc phân định được chính xác, thông tin từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS là dữ liệu tham chiếu để xây dựng bộ tiêu chí khoa học, phù hợp với các địa bàn vùng DTTS và miền núi.

Xác lập dữ liệu để phân định vùng DTTS và miền núi
Các xã khu vực III vùng DTTS và miền núi là địa bàn đang triển khai 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025. (Ảnh minh họa)

Giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương vùng DTTS và miền núi đồng thời triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ngay từ khi cả 03 Chương trình vẫn còn phôi thai, thảo luận trên nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ băn khoăn do lo ngại tình trạng chồng chéo, trùng lặp về địa bàn, đối tượng thụ hưởng chính sách; nhất là giữa Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển được thực hiện từ năm 1996 và đến nay có 10 lần phân định. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp số liệu, thông số, thông tin đánh giá chính xác để tham mưu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống tiêu chí mới để phân định vùng DTTS và miền núi.

Nhưng sau gần 4 năm triển khai, những băn khoăn này cơ bản được gỡ bỏ khi cả 03 Chương trình MTQG vận hành suôn sẻ; không xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp. Kết quả này trước hết xuất phát từ việc địa bàn đầu tư của các Chương trình MTQG đã được xác lập rõ ràng, khoa học ngay từ đầu.

Với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), địa bàn đầu tư được xác định là các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi.

Đây là những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; được phân định theo trình độ phát triển tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ (cấp xã) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (cấp thôn).

Để phân định được địa bàn vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển thì yêu cầu phải có bộ tiêu chí khoa học. Bộ tiêu chí phân định giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/10/2020.

Theo bộ tiêu chí này, các xã (thôn) có tỷ lệ số hộ DTTS trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên được xác định thuộc vùng DTTS và miền núi (Giai đoạn 2016 – 2020, theo Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 thì tỷ lệ này là 30%).

Xác lập dữ liệu để phân định vùng DTTS và miền núi 1
Thông tin từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS là dữ liệu tham chiếu để xây dựng bộ tiêu chí khoa học, phù hợp với các địa bàn vùng DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Cục Thống kê tỉnh Đăk Lăk điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội hộ DTTS tại địa bàn xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin)

Đồng thời, theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, xã khu vực III là xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc có trên 150 hộ nghèo là hộ DTTS).

Trong quá trình hoạch định chính sách vẫn còn những vướng mắc nhất định liên quan đến các thuật ngữ, khái niệm, tiêu chí trong lĩnh vực dân tộc và trong phân định các vùng DTTS, miền núi, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng sâu, vùng xa; vùng biên giới, hải đảo...".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm

Ngoài ra, các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% đến dưới 20% (riêng các xã thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo từ 12% đến dưới 15%) và có trên 60% tỷ lệ hộ nghèo là hộ DTTS trong tổng số hộ nghèo của xã (hoặc có số người DTTS trong độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông từ 20% trở lên; hoặc có số lao động có việc làm nhưng chưa qua đào tạo từ 3 tháng trở lên chiếm trên 80% tổng số lao động có việc làm; hoặc có đường giao thông từ trung tâm huyện đến trung tâm xã dài trên 20km, trong đó có trên 50% số km chưa được rải nhựa hoặc đổ bê-tông) cũng được xác định là xã khu vực III.

Những chỉ số trong bộ tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg được định lượng khoa học từ việc phân tích dữ liệu thu thập được từ cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019; kết hợp với thông số được tính toán kỹ lưỡng trong Đề án Tổng thê phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.

Dữ liệu của cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 cũng là tham chiếu quan trọng để các địa phương xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; từ đó là cơ sở để triển khai chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719.

Năm 2024, cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS đã được Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc triển khai thực hiện từ ngày 01/7 đến hết ngày 15/8 vừa qua. Theo kế hoạch, kết quả cuộc điều tra sẽ bàn giao cho Ủy ban Dân tộc vào tháng 4/2025 và được công bố chậm nhất vào tháng 7/2025.

Xác lập dữ liệu để phân định vùng DTTS và miền núi 3
Địa bàn đầu tư của Chương trình MTQG 1719 là các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Thôn đặc biệt khó khăn Trung Chải của xã khu vực III Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được đầu tư tuyến đường giao thông từ Chương trình MTQG 1719)

Kết quả của cuộc điều tra năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ làm cơ sở hoạch định chính sách dân tộc cho giai đoạn tới, mà tiếp tục là căn cứ để xây dựng bộ tiêu chí phân định địa bàn, tránh trùng lặp để triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội mang tầm chiến lược, dài hạn.

Bởi, dự kiến sau năm 2025, ngoài triển khai 03 Chương trình MTQG như hiện nay, các địa phương vùng DTTS và miền núi sẽ đồng thời triển khai thực hiện Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Do đó, làm thế nào để tránh tình trạng dàn trải, chồng lấn, trùng lặp giữa các Chương trình MTQG luôn là vấn đề được các ĐBQH quan tâm, thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cuối tháng 6 vừa qua.

Các Chương trình MTQG đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Trong đó, Chương trình MTQG 1719 có Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nội dung thành phần số 6 là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Hai nội dung này có giai đoạn thực hiện đến năm 2025, do đó cần rà soát nội dung của dự án Chương trình về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 với các nội dung đã thực hiện được của các dự án thành phần của 2 Chương trình MTQG đang triển khai thực hiện.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.