Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Những người dẫn đường tâm huyết trong cuộc Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024

Ngọc Chí - 18:09, 29/08/2024

Theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh Kon Tum, Cuộc Điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã hoàn thành 100% so với kế hoạch và thời gian sớm hơn kế hoạch đề ra. Có được những kết quả đó ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, điều tra viên thì có vai trò quan trọng của những người dẫn đường, họ chính là những thôn trưởng, già làng, Người có uy tín ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh Kon Tum có diện tích lớn, các thôn, làng nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn nên khó khăn cho các điều tra viên khi đi thu thập thông tin
Tỉnh Kon Tum có diện tích lớn, các thôn, làng nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn nên khó khăn cho các điều tra viên khi đi thu thập thông tin

Địa bàn rộng, khó khăn khi thu thập thông tin

Tỉnh Kon Tum nằm ở vùng cực Bắc Tây Nguyên, với diện tích tự nhiên rộng và địa bàn bàn chia cắt, các thôn, làng nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Với 43 thành phần dân tộc cùng sinh sống, DTTS chiếm hơn 55% dân số toàn tỉnh. Đặc biệt, nhận thức, giao tiếp của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa có phần hạn chế nên cũng ít nhiều gây ra những khó khăn cho các điều tra viên khi đi thu thập thông tin.

Ông Đặng Văn Trường, điều tra viên chia sẻ: Khi được phân công địa bàn điều tra tại làng Klâu Ngol Zốl, xã Ia Chim, TP. Kon Tum thì ông cảm nhận được sự khó khăn nhất định. Bởi địa bàn cách trung tâm TP. Kon Tum gần 20km, đa số người dân sản xuất nông nghiệp nên thường xuyên đi làm trên rẫy, chỉ có buổi tối mới về nhà. Vì vậy, ông đã đưa ra kế hoạch cụ thể, đó là thực hiện việc điều tra vào buổi tối và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể của làng.

Sự phối hợp của già làng, thôn trưởng, Người có uy tín giúp các điều tra viên thu thập thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời
Sự phối hợp của già làng, thôn trưởng, Người có uy tín giúp các điều tra viên thu thập thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời

Cuộc Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024, tỉnh Kon Tum triển khai ở 342 địa bàn ở 96 xã, thị trấn, thuộc 10 huyện, thành phố. Toàn tỉnh huy động 639 người phục vụ cuộc điều tra, trong đó lực lượng điều tra phiếu hộ 342 người; điều tra xã, thị trấn 31 người; tổ trưởng 96 người.

Xác định cuộc điều tra này có ý nghĩ hết sức quan trọng, ngay khi có chủ trương của Trung ương, Cục Thống kê Kon Tum đã ban hành kế hoạch triển khai điều tra trên phạm vi cả tỉnh. Trưng tập điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên để tập huấn nghiệp vụ. Đồng thời, động viên để các điều tra viên nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các phiếu điều tra sớm hơn kế hoạch.

Chị Đỗ Thị Kim Giang, điều tra viên được phân công điều tra tại thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà chia sẻ: Đường xá đi lại khó khăn thì chúng tôi không ngại, nhưng khó khăn nhất là nhiều khi thu thập thông tin thì do trình độ của đồng bào DTTS còn có một số hạn chế nên việc cung cấp thông sẽ thiếu chính xác, dẫn đến việc nhập dữ liệu dễ bị sai sót. Vì thế khi thực hiện, chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ với già làng, thôn trưởng, bởi họ am hiểu về ngôn ngữ và hiểu rõ từng gia đình trong thôn nên sẽ giúp tôi thu thập thông tin được chính xác.

Những người dẫn đường tâm huyết

Kể lại hành trình cùng với điều tra viên thu thập thông tin phục vụ Cuộc Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024, ông A Mai,Thôn trưởng thôn Plei Trum Đăk Choah, phường Ngô Mây, TP. Kon Tum chia sẻ: Tôi nhận thức được rằng, cuộc điều tra lần này có vai trò hết sức quan trọng, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc và từ đó quyết định những chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ đồng hành cùng điều tra viên tôi đã lập danh sách tất cả 146 hộ ở trong thôn để cung cấp cho điều tra viên.

Khi điều tra viên đến, thì tôi sẽ dẫn đến từng nhà thu thập thông tin, bà con cung cấp chưa chính xác thì tôi sẽ trao đổi, hướng dẫn để bà con cung cấp cho thật chính xác. Bởi nếu thu thập thông tin không đúng, thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả của cuộc điều tra – ông A Mai chia sẻ thêm.

Có thể nói, thôn trưởng, già làng, Trưởng ban công tác Mặt trận, Người có uy tín ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS là người am hiểu địa hình, phong tục, tập quán và đời sống của từng gia đình trong thôn, làng. Vì vậy, vai trò của họ hết sức quan trọng quá trình thực hiện Cuộc Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024.

Ông A Mai (bên phải),Thôn trưởng thôn Plei Trum Đăk Choah, phường Ngô Mây, Tp. Kon Tum luôn đồng hành, hỗ trợ để Điều tra viên thu thập thông tin phục vụ Cuộc Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024
Ông A Mai (bên phải), Thôn trưởng thôn Plei Trum Đăk Choah, phường Ngô Mây, TP. Kon Tum luôn đồng hành, hỗ trợ để Điều tra viên thu thập thông tin phục vụ Cuộc Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024

Ông Dương Văn Định, điều tra viên chia sẻ: Nếu không có sự đồng hành của Thôn trưởng A Mai, thì tôi rất khó để hoàn thành toàn bộ 146 phiếu điều tra. Bởi đây là địa bàn điều tra toàn bộ, có 146 hộ, chủ yếu là dân tộc Gié Triêng và Ba Na. Nhiều lúc trao đổi bằng tiếng phổ thông, bà con không hiểu, phải nhờ đến sự thông dịch của Thôn trưởng A Mai để bà con cung cấp thông tin chính xác. Đồng thời, khi các hộ đi làm rẫy dài ngày chưa về thì cũng được Thôn trưởng gọi điện hẹn họ về để tôi thu thập thông tin. Với sự hỗ trợ hết mình của Thôn trưởng, thì tôi đã hoàn thành quá trình điều tra sớm gần 10 ngày so với quy định.

Cuộc Điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024, với mục đích thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ DTTS và các điều kiện kinh tế – xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho các vùng DTTS giai đoạn 2026 – 2030. Vì vậy, việc thu thập thông tin chính xác hết sức quan trọng.

Ông Đỗ Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Kon Tum cho biết: Các già làng, thôn trưởng, Người có uy tín trong cộng đồng DTTS không những là người nắm vững tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân, mà còn luôn đi đầu trong công tác vận động Nhân dân triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, duy trì nếp sống văn hóa. 

Họ có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền thực hiện cuộc điều tra, và là cầu nối giữa điều tra viên và hộ điều tra. Bằng sự uy tín và kinh nghiệm của mình, họ giúp điều tra viên tiếp cận dễ dàng hơn với người dân, giải thích và vận động mọi người hợp tác, đảm bảo quá trình thu thập thông tin diễn ra suôn sẻ. Họ cũng hỗ trợ điều tra viên xử lý những tình huống khó khăn; Đồng thời giúp duy trì trật tự và nếp sống văn hóa trong cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi để điều tra viên hoàn thành nhiệm vụ.

Nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn đã phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS. Họ trở thành lực lượng tiên phong tại cơ sở trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chủ động, tích cực phối hợp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời cho điều tra viên hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp vào thành công của cuộc Điều tra.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.