Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS từ dữ liệu điều tra chính xác

Tùng Nguyên - 10:32, 29/08/2024

Xây dựng chính sách đặc thù về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe ở vùng DTTS và miền núi. Nhưng để có chính sách can thiệp phù hợp thì cần có bộ dữ liệu chính xác về tình hình chăm sóc sức khỏe của phụ nữ DTTS hiện nay.

Xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS từ dữ liệu điều tra chính xác
Ngoài hỗ trợ kinh phí thì Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719 còn phối hợp với ngành Y tế để tuyên truyền vận động, thay đổi nhận thức, quan niệm của phụ nữ, người dân trong việc sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo các điều kiện sức khỏe tốt nhất cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. (Trong ảnh: Cán bộ y tế tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ thôn Làng Mới, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai)

Dữ liệu là nền tảng

Những năm gần đây, việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ DTTS đã có nhiều chuyển biến. Nhưng ở nhiều địa bàn vùng DTTS và miền núi, do giao thông cách trở, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều hủ tục còn tồn tại… nên việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ DTTS còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ, trẻ em.

Tại Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS (gọi tắt là cuộc Điều tra) năm 2024, diễn ra ngày 01/7, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, đã chia sẻ với truyền thông những trăn trở của ông về thực tế ông ghi nhận được tại một số địa bàn vùng DTTS và miền núi của Việt Nam. Gần đây nhất là chuyến đi của ông đến tỉnh Lai Châu, vào cuối tháng 4/2024.

“Trong chuyến thăm này, tôi đã được trực tiếp nghe người dân địa phương chia sẻ không đến trạm y tế vì nhà ở rất xa, hoặc không có tiền đi lại. Có người không đến vì phong tục của chúng tôi là không sinh con trước mặt người lạ…. “, ông Matt Jackson cho biết.

“Những dữ liệu về thực trạng của các cộng đồng DTTS sẽ giúp Chính phủ và chính quyền địa phương đảm bảo chính sách được ban hành sẽ có hiệu quả đối với các nhóm DTTS hoặc những nhóm bị thiệt thòi, có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau”.
Ông Matt Jackson
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.

Theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam – ông Matt Jackson, thông tin thu thập từ những chuyến công tác tại vùng DTTS và miền núi Việt Nam đã đặt ra cho ông nhiều câu hỏi liên quan đến việc cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS.

“Làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho các DTTS sống ở những vùng miền khác nhau của đất nước Việt Nam? Chúng ta có thể làm gì để giảm tỷ lệ tử vong mẹ từ những nguyên nhân có thể phòng ngừa...”, ông Matt Jackson chia sẻ.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam – ông Matt Jackson, khẳng định, những vấn đề nêu trên khi được giải quyết sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe ở vùng DTTS và miền núi.

Nhưng các vấn đề đó không thể giải quyết nếu không có dữ liệu. Dữ liệu phân tách, toàn diện, tin cậy sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp, tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của những người có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau.

Xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS từ dữ liệu điều tra chính xác 2
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ với truyền thông tại Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, được tổ chức ở Hòa Bình ngày 01/7.

Ông Matt Jackson cho biết, kết quả thu được từ cuộc Điều tra năm 2024 sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm DTTS, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống. Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm DTTS đang phải đối mặt.

Chính sách đặc thù từ dữ liệu chính xác

Tại cuộc Điều tra năm 2019, ngoài việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các điều tra viên để thực hiện phỏng vấn trực tiếp, UNFPA đã hỗ trợ giám sát việc thu thập dữ liệu; đồng thời hỗ trợ thực hiện phân tích dữ liệu thu thập được. Dưới sự chủ trì của Ủy ban Dân tộc và sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA và nhiều tổ chức khác, số liệu của cuộc Điều tra năm 2019 đã được phân tích, đánh giá.

Báo cáo phân tích số liệu đã chỉ ra rằng, tỉ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản ở vùng DTTS và miền núi vẫn cao gấp 3 lần so với cả nước, một số nhóm DTTS cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh.

Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 - 49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tăng tới 22,8% so với năm 2015, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%. Vẫn còn 3 dân tộc có tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế đạt dưới 50% gồm: Mông 49,6%, Mảng 44,5% và La Hủ 34,7%...

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) là đối tác hỗ trợ Chính phủ nâng cao năng lực thu thập, phân tích dữ liệu, và xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác lập kế hoạch và theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các kế hoạch chính sách dựa trên bằng chứng.

Báo cáo phân tích số liệu cuộc Điều tra năm 2019 trở thành một bộ công cụ hữu hiệu để hoạch định, xây dựng chính sách nhằm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn sau năm 2020, trong đó có chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719).

Trong Chương trình MTQG 1719 có Dự án 7- Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Do Bộ Y tế chủ trì) và Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (Do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì).

Cả hai Dự án 7 và Dự án 8 đều có nội dung thực hiện các hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; với 04 gói hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Hỗ trợ chăm sóc trước sinh; hỗ trợ chăm sóc trong sinh; hỗ trợ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau sinh tại nhà; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trẻ em).

Theo BS Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), ngoài 4 gói chăm sóc nêu trên, Dự án 7 còn có chính sách chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ và trẻ nhỏ, cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng đa vi chất cho trẻ suy dinh dưỡng, sắt và axit folic chi phụ nữ mang thai. Cả hai dự án tập trung 4 gói can thiệp nhằm mục đích nâng cao sức khỏe, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em vùng DTTS miền núi.

Xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS từ dữ liệu điều tra chính xác 3
Ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người, tỷ lệ đẻ tại nhà của phụ nữ DTTS còn cao.

Dưới tác động của chính sách hỗ trợ, tình hình chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ DTTS tiếp tục có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, ở một số khu vực, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người, tình hình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS vẫn là vấn đề cấp bách.

Thực trạng này phần nào được làm rõ trong “Báo cáo Nghiên cứu đánh giá chỉ số đầu vào và xác định nhu cầu cho can thiệp sức khỏe bà mẹ dân tộc ít người tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên”; do Đại học Y tế cộng đồng thực hiện. Báo cáo cho thấy, tỷ lệ đẻ tại nhà của phụ nữ DTTS còn phổ biến.

Cụ thể, khảo sát tại 60 xã thuộc 6 tỉnh, các chuyên gia nhân thấy, tỷ lệ đẻ tại nhà/nương rẫy đang còn ở mức 52,8%. Trong đó có tới 20 xã (33,3%) có tỷ lệ đẻ tại nhà cao hơn 80%; gồm 12 xã thuộc tỉnh Lai Châu (Pa Vệ Sủ, Nậm Manh, Tủa Sỉn Chải, Làng Mô, Pú Đao, Tà Tổng, Mù Sang, Tá Bạ, Tả Ngào, Tung Qua Lin, Nậm Pì, Nậm Chà); 04 xã tại Sơn La (Xím Vàng, Háng Đồng, Kim Bon, Hang Chú), 03 xã tại Gia Lai (Đăk Trôi, Đê Ar, Kon Chiêng) và 1 xã ở Kon Tum (Đăk Nên).

Đúng như Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam – ông Matt Jackson, đã khẳng định, vấn đề cấp bách về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ DTTS không thể giải quyết nếu không có dữ liệu. Cùng với những công trình thống kê chuyên ngành khác thì cuộc Điều tra năm 2024 sẽ cung cấp bộ dữ liệu đầy đủ để nhận diện thực trạng về khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ DTTS hiện nay; từ đó có chính sách can thiệp, hỗ trợ hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe ở vùng DTTS và miền núi.

Vốn Dự án 7 và Dự án 8 của Chương trình MTQG 1719 sẽ hỗ trợ chi phí đi lại cho bà mẹ và 1 người nhà chăm sóc khi đến sinh con tại cơ sở y tế là 1 triệu đồng/người; hỗ trợ gói vật tư chăm sóc khi sinh (bỉm sơ sinh, tã lót, áo sơ sinh, mũ, bao tay, bao chân em bé, khăn lau em bé, túi đo lượng máu mất lúc sinh) và hỗ trợ tiền ăn cho bà mẹ và người chăm sóc khi đến sinh con tại cơ sở y tế là 500.000 đồng/gói; hỗ trợ chăm sóc sau sinh bà mẹ được gói hỗ trợ 1 lần là 1,2 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ kinh phí thì Dự án 8 còn phối hợp với ngành Y tế để tuyên truyền vận động, thay đổi nhận thức, quan niệm của phụ nữ, người dân trong việc sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo các điều kiện sức khỏe tốt nhất cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.