Gương mẫu, tiên phong
Già làng, trưởng bản, Người có uy tín là những người am hiểu địa hình, phong tục, tập quán và đời sống của từng gia đình trong thôn, bản. Trong cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, tại Quảng Ninh, đội ngũ Người có uy tín giữ nhiều vai trò khác nhau, tùy vào tính chất địa phương cũng như sự phân công cụ thể của chính quyền. Họ có thể là người vận động, tuyên truyền chuẩn bị, có thể là Điều tra viên trực tiếp hoặc cũng là người hỗ trợ đắc lực cho các Điều tra viên trong khâu giải thích, “đả thông tư tưởng” cho người dân...
Bà Chu Bích Sen - Người có uy tín khu Nà Phạ, thị trấn Bình Liêu (Bình Liêu) chia sẻ, theo kế hoạch, lần này tiến hành điều tra, thu thập thông tin tại 30 hộ trên địa bàn khu. Xác định ý nghĩa của cuộc điều tra, ngay từ trước lễ ra quân khoảng 1 tháng, bà đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, phân tích để người dân hiểu rõ hơn về nội dung này.
“Trong quá trình điều tra, thu thập thông tin, tôi đã cùng với các Điều tra viên của thị trấn đến từng hộ, chỗ nào bà con chưa hiểu tôi tiếp tục giải thích bằng tiếng địa phương; chỗ nào Điều tra viên chưa rõ, thì tôi cũng giải thích thêm để có thông tin được chính xác nhất”, bà Sen nói.
Trên thực tế, nhiều Người có uy tín lại giữ vai trò là cầu nối giữa Điều tra viên và hộ điều tra. Bằng sự uy tín và kinh nghiệm của mình, họ giúp Điều tra viên tiếp cận dễ dàng hơn với người dân, giải thích và vận động mọi người hợp tác, đảm bảo quá trình thu thập thông tin diễn ra suôn sẻ. Họ cũng hỗ trợ Điều tra viên xử lý những tình huống khó khăn; đồng thời giúp duy trì trật tự và nếp sống văn hóa trong cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi để Điều tra viên hoàn thành nhiệm vụ.
“Cuộc Điều tra 53 DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng chính xác. Kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng già làng, trưởng bản, Người có uy tín trên địa bàn”.
Ngô Thị VânPhó Chi Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Quảng Ninh
Không chỉ vậy, nhiều già làng, trưởng bản, Người có uy tín cũng trực tiếp tham gia cuộc điều tra thu thập thông tin 53 DTTS năm 2024 trên địa bàn. Thôn Nà Cáng, xã Quảng An (Đầm Hà) có hơn 96% là người DTTS sinh sống.
Từ năm 2023, anh Lỷ Văn Pẩu, sinh năm 1987 được bà con tin tưởng giao trọn ba vai (bí thư, trưởng thôn, Người có uy tín). Trong cuộc điều tra lần này, anh Pẩu cũng tham gia vai trò Điều tra viên ngay tại thôn.
Anh chia sẻ, anh đã tiến hành điều tra, thu thập thông tin của 164 hộ trên địa bàn thôn. Với vai trò của mình, vốn đã được bà con tin tưởng nên đều được bà con ủng hộ phối hợp hết sức nhiệt tình.
“Tuy nhiên, lần này cập nhật trên phần mềm điện tử nên còn nhiều cái mới mẻ. Thế nhưng, cũng xác định tinh thần ngay từ đầu nên gặp khó khăn gì tôi cũng tìm hiểu, nhờ hỗ trợ dần dần tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra”, anh Lỷ Văn Pẩu cho biết.
Hoàn thành đúng tiến độ đề ra
Ông Triệu Đức Phượng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Chẽ cho biết, theo kế hoạch huyện tổ chức điều tra, thu thập thông tin 1.026 hộ. Chúng tôi nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cuộc điều tra, là sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan từ Trung ương đến địa phương vùng đồng bào DTTS có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2025, đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025; kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2025, chuẩn bị xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn tiếp theo 2026 – 2030; làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo, các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Do vậy, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thì “Đội ngũ Người có uy tín thực sự là những người dẫn đường tâm huyết, là lực lượng tiên phong tại cơ sở trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS huyện Ba Chẽ chủ động, tích cực phối hợp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời”, ông Phượng nhấn mạnh.
Từ ngày 01/7/2024, các Điều tra viên đồng loạt ra quân điều tra tại các địa bàn. Trong quá trình thực hiện, Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh đã phân công các Giám sát viên cấp tỉnh bám sát địa bàn, phối hợp với Giám sát viên cấp huyện kiểm tra, tiến độ thực hiện của Điều tra viên, uốn nắn nghiệp vụ ngay tại địa bàn và ra các công văn hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời để Chi cục Thống kê có cơ sở tổ chức điều tra tại địa bàn có hiệu quả.
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 15/8 tỉnh đã hoàn thành 100% số hộ thuộc mẫu của cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, với tổng số 264 địa bàn, trong đó có 25 địa bàn điều tra toàn bộ, 239 địa bàn điều tra mẫu với 8.935 hộ phỏng vấn trực tiếp, 71 xã thực hiện điều tra phiếu xã.