Thưa ông, cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội của các DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024 có điểm gì mới so với 2 cuộc điều tra trước đây?
Ngày 05/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS. Theo đó, điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được tiến hành 5 năm một lần.
Cuộc điều tra lần thứ nhất được tiến hành từ ngày 1/8 đến 31/8/2015 đã cho một bộ dữ liệu đầy đủ, toàn diện, có độ tin cậy cao để làm căn cứ đánh giá kết quả và xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng, chính sách phát triển của cả nước nói chung cho giai đoạn 2014 - 2019.
Từ 01/10/2019 đến 31/10/2019, Uỷ ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức cuộc Điều tra lần thứ hai. Qua đó đã thu thập nguồn dữ liệu tin cậy, khoa học, làm căn cứ để Ủy ban Dân tộc xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời cung cấp thông tin, dữ liệu để các cơ quan Đảng, Quốc hội, các ban, bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc tham mưu xây dựng hàng loạt chính sách phát triển vùng DTTS trong những năm qua.
Ngày 01/7/2024, cả nước vừa đồng loạt ra quân cuộc Điều tra lần thứ ba, trong đó tỉnh Đắk Lắk được Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê và UBND tỉnh thống nhất chọn huyện Cư Kuin để tổ chức Lễ ra quân. Cuộc Điều tra này kéo dài đến hết ngày 15/8/2024. Kết quả cuộc Điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để các cơ quan Trung ương, địa phương vùng DTTS đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đến năm 2025, đánh giá kết quả 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 và kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, để làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo 2026-2030. Đồng thời, làm cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Được biết, cuộc Điều tra lần thứ II, năm 2019, theo Quyết định số 02/QĐ-TT ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan công tác dân tộc có nhiệm vụ giám sát, tiếp nhận và sử dụng thông tin từ cuộc Điều tra. Ông có thể chia sẻ, thông tin từ cuộc Điều tra năm 2019 đã được địa phương tiếp nhận, sử dụng như thế nào?
Ngay sau khi tiếp nhận kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu UBND tỉnh đưa kết quả điều tra đến tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để khai thác, sử dụng theo quy định.
Căn cứ vào kết quả điều tra, tỉnh đã rà soát, báo cáo thông tin, số liệu liên quan để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, làm cơ sở để Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các nhu cầu cấp thiết nhất cho người dân.
Đến nay, kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 vẫn là cơ sở quan trọng để tỉnh hoạch định các cơ chế, chính sách đối với đồng bào DTTS (đến khi Kết quả Điều tra năm 2024 được công bố).
Tiếp nối nhiệm vụ quan trọng này, cuộc điều tra lần thứ 3, năm 2024 này, các cơ quan công tác dân tộc các cấp tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện những giải pháp nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là trong việc bảo đảm tính chính xác, bao phủ của thông tin thu thập thực trạng kinh tế - xã hội của các DTTS trên địa bàn?
Trước khi điều tra, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Trong đó, phát huy tối đa vai trò của đội ngũ Người có uy tín, già làng, trưởng bản... tham gia cùng Điều tra viên để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thực hiện thu thập thông tin chính xác nhất.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung cơ bản của cuộc Điều tra, đến các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người dân thuộc địa bàn điều tra; đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thống kê thực hiện thành công cuộc Điều tra.
Đồng thời chỉ đạo UBND xã thuộc địa bàn điều tra tạo điều kiện thuận lợi cho Điều tra viên thực hiện phỏng vấn, khai thác, ghi chép thông tin đảm bảo đầy đủ số lượng và chất lượng thông tin của cuộc Điều tra.
Trong quá trình thực hiện điều tra, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các Chi cục Thống kê các huyện thực hiện giám sát việc điều tra tại các địa bàn điều tra. Qua đó, chia sẻ khó khăn, đôn đốc lực lượng Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, công tác điều tra đã thực hiện xong, cơ quan chuyên môn tổng hợp, thống kê, phân tích số liệu để công bố chính thức.