Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Vượt eo Lập Cập, thăm bản người Chứt

Khánh Ngân - 10:49, 13/03/2023

Tôi lên đường vào Hóa Sơn - xã vùng biên huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có gần 100% dân số là người dân tộc Chứt sinh sống trong tâm thế đi về vùng khó, vùng xa ngái của mảnh đất Quảng Bình. Vượt được eo Lập Cập, thung lũng Ma Rai hiện ra là vùng đất trù phú, cuộc sống của đồng bào Chứt khác xa với mường tượng của tôi trước lúc đặt chân đến nơi đây.

Sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa giúp đồng bào Chứt ở Hóa Sơn tăng năng suất lao động.
Sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa giúp đồng bào Chứt ở Hóa Sơn tăng năng suất lao động.

Gặp những nông dân tiêu biểu

Phát huy truyền thống của một vùng đất anh hùng, những năm gần đây, xã Hóa Sơn luôn có sự đổi mới, sáng tạo để xây dựng, phát triển quê hương ngày càng thêm khởi sắc. Chính “chìa khóa” đẩy mạnh trồng rừng và phát triển chăn nuôi đã làm cho Hóa Sơn khởi sắc.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đinh Văn Tương (người Chứt), Bí thư Chi bộ thôn Đặng Hóa mở lòng: “Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, với diện tích khoảng 3 ha, từ nhiều năm qua, tôi luôn học hỏi thêm kiến thức để có thể làm giàu từ trồng rừng và chăn nuôi. Ngoài việc trồng 2 ha cây keo lai, gia đình đã duy trì nuôi 10 lợn nái trong chuồng. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi thêm khoảng 100 con lợn thịt, lợn rừng để bán ra thị trường mang về nguồn thu nhập ổn định”.

Không là Đảng viên như ông Đinh Văn Tương, nhưng ông Đinh Minh Phượng ở thôn Thuận Hóa cũng đã trở thành một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế. Từng là một hộ nghèo, khó khăn của xã Hóa Sơn, sau nhiều năm được hỗ trợ, tiếp sức từ các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 135, 30a…; cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đến nay, gia đình ông Phượng đã tự tin vươn lên trở thành hộ khá, giàu ở trong xã. Hiện gia đình ông Phượng có hơn 3 ha rừng sản xuất. Ngoài ra gia đình ông còn trồng 200 trụ thanh long ruột đỏ, đầu tư chuồng trại nuôi 6 con lợn nái (giống bản địa và lai rừng) và 40 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm, từ việc bán lợn giống, lợn thịt và trồng rừng, gia đình ông Phượng có thu nhập trên 300 triệu đồng.

Không chỉ có ông Tương và ông Phượng, ở thung lũng Ma Rai đã có nhiều hộ gia đình người Chứt trở nên khá giả nhờ trồng rừng và chăn nuôi. Tỷ lệ người Chứt ở Hóa Sơn thoát nghèo luôn ở mức cao nhất huyện Minh Hóa. Chính “chìa khóa” trồng rừng và chăn nuôi đã và đang làm cho Hóa Sơn khởi sắc từng ngày.

 Xác định mũi nhọn kinh tế

Toàn xã Hóa Sơn có 428 hộ với 1.850 nhân khẩu, trong đó đa số là đồng bào Chứt sinh sống. Kinh tế chủ lực của người dân nơi đây là sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ có 2ha lúa nước, còn lại là đất màu trồng lạc và ngô. Với địa hình chủ yếu là đồi núi nên sản xuất nông nghiệp thuần túy với cây lạc và ngô đã không thể giúp người dân Hóa Sơn có cuộc sống ổn định. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, người Chứt ở Hóa Sơn đã phát triển kinh tế bằng chính thế mạnh đất đai hiện có. Hai lĩnh vực trồng rừng và chăn nuôi được xác định là mũi nhọn trên mặt trận chống đói, giảm nghèo.

Từ nguồn nội lực của địa phương, sự cần mẫn của người Chứt cũng như sự tiếp sức từ các Chương trình 30a; 135… và các chính sách đặc thù dành riêng cho vùng DTTS của Đảng, Nhà nước, Hóa Sơn đã có bước trở mình, vươn lên mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, đường bê tông vào tận bản, hệ thống trường lớp khang trang. Hình ảnh con trâu, cái cày dần được thay thế bởi máy cày, máy xới trên đồng rộng.

Ông Đinh Minh Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hóa Sơn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định trồng rừng và chăn nuôi là 2 mũi nhọn nhằm đưa kinh tế địa phương tăng trưởng cao và bền vững; từ đó, từng bước giúp người dân có thu nhập ổn định, nâng cao cuộc sống”.

Trong câu chuyện ông Tâm đã chia sẻ thêm, Đảng bộ và chính quyền xã Hóa Sơn tranh thủ sự đầu tư từ các chính sách của Đảng và Nhà nước và thông qua các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân cây, con giống có chất lượng, phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Ngoài ra, xã sẽ tìm kiếm cơ hội và tổ chức cho bà con tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình hay nhằm nâng cao kiến thức, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó tạo ra động lực mới giúp đồng bào vươn lên phát triển kinh tế gia đình mạnh mẽ hơn. 

Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với người dân để hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho người dân. Từ đó tạo tâm lý yên tâm sản xuất để đồng bào tích cực phát triển kinh tế vườn rừng...

Rời Hóa Sơn khi trời đã đứng bóng, những địa danh đất thiêng thôn Đặng Hóa - nơi vị vua yêu nước Hàm Nghi đã từng ở; eo Lập Cập - nơi ghi dấu chiến thắng của quân nhà vua với sự giúp sức của đồng bào Chứt ở thung lũng Ma Rai đầy kiêu hãnh. Tôi lại liên tưởng đến người Chứt hôm nay, chính sự cần cù chịu thương đã giúp đồng bào chiến thắng đói nghèo xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.