Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng triển khai nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Nhiều người sau khi vay được vốn, đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh tế gia đình ổn định.
Đơn cử như gia đình anh Phạm Văn Đường, ở thôn Gò Rét - Ma Nghít, xã Ba Cung (Ba Tơ), từ năm 2015 trở về trước, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và tiền làm thuê. Trong một buổi sinh hoạt Chi đoàn thôn, nghe Đoàn xã triển khai chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, anh Đường quyết định vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay dành cho hộ nghèo.
Sau khi được giải ngân, anh đầu tư trồng hơn 2,5ha cây keo lai. Nhờ lao động chăm chỉ, gia đình anh Đường đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, gia đình anh Đường đã sở hữu 4ha keo và làm chủ 1 chiếc xe tải chuyên chở cây keo nguyên liệu, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Đường là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững ở địa phương.
Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Trung, người Hrê, ngụ thôn làng Teeng, xã Ba Thành (Ba Tơ) trước đây thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất. Cách đây 5 năm, gia đình ông được tiếp cận nguồn vốn chính sách đã đầu tư chuyển đổi canh tác khu đất cấy lúa năng suất thấp sang trồng đậu phộng (lạc), rau sạch.
Sau thời gian, các vụ rau màu tươi tốt đã cho gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng và có thêm vốn liếng mua 1 cặp trâu, làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi theo mô hình gia trại. Đến nay, gia đình ông Trung đã có 1,2 ha đậu phộng, 6 sào rau xanh trồng nhà lưới, đàn trâu béo khỏe 8 con, trị giá đến 700 - 800 triệu đồng.
Còn gia đình bà Đinh Thị Trí, ở thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ (Sơn Hà), cũng nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, đã có cơ hội đầu tư và thực hiện mô hình chăn nuôi heo thịt. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi nên mô hình đã đạt hiệu quả cao. Hiện nay, trong chuồng lúc nào cũng có từ 4 - 5 con heo nái và 50 con heo thịt. Ngoài ra, bà Trí còn chăn nuôi vịt, mỗi năm xuất bán gần 1.000 con.
“Mình đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo, mỗi năm xuất 3 lứa, mỗi lứa 50 con, sau khi trừ chi phí thu về 150 triệu đồng. Đến giờ đã thu hồi vốn, chăn nuôi được 4 con heo nái. Chăn nuôi vịt thì một năm được năm lứa, mỗi lứa xuất từ 100 - 200 con. Giờ kinh tế đã tạm ổn định, không còn lo lắng như trước”, bà Trí vui mừng chia sẻ.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi, sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40, vốn tín dụng chính sách, đã kịp thời hỗ trợ cho hàng chục nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách, góp phần làm chuyển biến phương thức sản xuất của các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi của tỉnh từ 42% năm 2016 xuống còn 18,01% (ước thực hiện năm 2021).
Điều quan trọng là, tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng khắp bản làng, thôn xóm. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cả hộ mới thoát nghèo, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn của người nghèo.
Ông Trần Duy Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã vào cuộc chỉ đạo sát sao trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Việc tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương năm sau cao hơn năm trước, để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ước đạt hơn 3.910 tỷ đồng, với khoảng 95.000 hộ vay vốn còn dư nợ, tăng khoảng 245 tỷ đồng so với năm 2020. Tỷ lệ nợ quá hạn 0,19%/tổng dư nợ, giảm hơn 930 triệu đồng so với năm 2020.
“Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp chặc chẽ với các địa phương thực hiện tốt việc bình xét, lựa chọn đối tượng để cho vay vốn tín dụng CSXH bảo đảm công bằng, chính xác; tư vấn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH đúng mục đích, phát huy hiệu quả”, ông Cường chia sẻ thêm.