Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xử lý rủi ro trong tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS

SĨ HÀO - 09:54, 11/10/2019

Việc xử lý nợ xấu trong tín dụng chính sách xã hội (CSXH) hiện vẫn đang áp dụng theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, văn bản pháp lý này vẫn chưa bao trùm hết những trường hợp rủi ro trong tín dụng CSXH.

Để phát triển sản xuất, đồng bào DTTS cần được “tiếp sức” từ dòng vốn tín dụng ưu đãi. (Ảnh minh họa)
Để phát triển sản xuất, đồng bào DTTS cần được “tiếp sức” từ dòng vốn tín dụng ưu đãi. (Ảnh minh họa)

Bài 2: Xây dựng cơ chế phù hợp với tình hình mới

Được khoanh nợ vẫn “treo án” nợ xấu

Theo quy định hiện hành, việc nằm trong danh sách được khoanh nợ không có nghĩa là khách hàng sẽ không được tiếp tục vay vốn. Nhưng trên thực tế, quá trình thẩm tra điều kiện tiếp tục được vay sẽ khắt khe hơn, thời gian phê duyệt, giải ngân vốn vay sẽ kéo dài hơn; thậm chí nhiều trường hợp gần như hết cơ hội tiếp tục được vay vốn.

Trường hợp của gia đình bà Thân Thị Kim Sứ, một hộ nghèo ở thôn Châu Me, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) là ví dụ. Đầu năm 2019, gia đình bà Sứ được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để mua 5 con lợn nái. Trong “tâm bão” dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn hình thành từ vốn vay đã không còn con nào. Không những trắng tay, gia đình bà Sứ hiện còn dư nợ 50 triệu đồng ở Ngân hàng CSXH huyện.

Theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg về xử lý rủi ro tại Ngân hàng CSXH (QĐ50), trường hợp như bà Sứ bị thiệt hại 100% vốn vay thực hiện phương án sản xuất thì sẽ được Ngân hàng khoanh nợ trong thời gian 5 năm, không phải nộp lãi. Sau 5 năm được khoanh nợ lần 1, nếu bà Sứ vẫn không có khả năng thanh toán thì sẽ được khoanh nợ bổ sung lần 2. Hết thời gian khoanh nợ này (10 năm) thì gia đình bà Sứ mới được xét để xóa nợ. Trong thời gian 10 năm được khoanh nợ, liệu bà Sứ có thể tiếp cận được nguồn vốn nào khác để tái sản xuất, ổn định cuộc sống?

Thêm cơ chế để xử lý rủi ro

Thực tế, dù có được khoanh nợ thì hầu hết các hộ vay vốn gặp rủi ro đều khó có khả năng khôi phục sản xuất, nếu không được “tiếp sức” bằng các khoản vay khác. Theo đại diện Ban Quản lý và xử lý rủi ro (Ngân hàng CSXH Việt Nam), với những hộ đồng bào DTTS gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bị thiệt hại từ 80% vốn vay trở lên thì nên tiến hành thẩm tra để thực hiện xóa nợ, bỏ qua giai đoạn khoanh nợ để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Đại diện Ban Quản lý và xử lý rủi ro còn cho rằng hiện còn nhiều trường hợp nợ xấu vẫn chưa có cơ chế xử lý phù hợp. QĐ50 hiện là văn bản pháp lý cao nhất để xử lý rủi ro tại Ngân hàng CSXH. Nhưng trong văn bản này vẫn “bỏ sót” những trường hợp đặc thù, như: trong quá trình vay vốn có thành viên trong hộ gia đình khách hàng mắc bệnh hiểm nghèo dẫn tới kiệt quệ về kinh tế và tài sản, không có khả năng trả nợ; khách hàng có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi...

Với những trường hợp chưa có cơ chế xử lý, Ngân hàng CSXH, chính quyền các địa phương phải tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ cho giải pháp. Vì thế, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành một số quyết định cá biệt để chỉ đạo và xử lý riêng cho các khoản nợ bị rủi ro chưa có cơ chế nêu trên.

Trong hành trình giảm nghèo cho đồng bào DTTS, vốn tín dụng CSXH là “điểm tựa” vững chắc. Do đó, để bảo đảm dòng vốn, hỗ trợ tối đa giúp đồng bào DTTS sử dụng vốn hiệu quả thì việc xây dựng cơ chế xử lý rủi ro tại Ngân hàng CSXH phù hợp với đối tượng khách hàng đặc thù là hết sức cần thiết. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.