Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tăng hạn mức cho vay hộ nghèo: Liệu có đánh bật được tín dụng đen?

PV - 10:31, 12/04/2019

Từ 01/3/2019, các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay. Đây được cho là giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi tín dụng đen, nhưng để đạt mục tiêu thì cần phải có những điều chỉnh trong cơ chế cho vay.

Dân cần nhưng tín dụng chưa vội

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 27/3/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng thì dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng. Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang cung ứng tín dụng cho gần 4 triệu hộ nông dân và cá nhân. NHCSXH cũng đang cung cấp tín dụng cho 6,6 triệu hộ vay đang còn dư nợ.

Như vậy, tính cả Agribank và NHCSXH thì đã có khoảng 10,6 triệu hộ nông dân đang dư nợ. Trong khi đó, theo kết quả tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có 15,99 triệu hộ nông thôn; trong đó có 8,61 triệu hộ trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này khẳng định tín dụng chính thức gần như đã phủ kín khu vực nông thôn.

Từ 01/3/2019, định mức vay vốn NHCSXH được nâng lên, nhưng quan trọng nhất vẫn phải cải cách thủ tục vay vốn. (Ảnh minh họa) Từ 01/3/2019, định mức vay vốn NHCSXH được nâng lên, nhưng quan trọng nhất vẫn phải cải cách thủ tục vay vốn. (Ảnh minh họa)

Nhưng nghịch lý là, vấn nạn tín dụng đen vẫn cứ hoành hành. Theo Bộ Công an, thống kê chưa đầy đủ trong khoảng 4 năm gần đây (2015-2018), trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen; trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền). Hoạt động cho vay tín dụng đen rất phức tạp, len lỏi đến nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào DTTS.

Nghịch lý này đã được nêu ra tại cuộc họp “Tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng góp phần hạn chế tín dụng đen” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 09/4/2019. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Xuân Thắng, đại diện Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương (thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đã đặt câu hỏi: “Tín dụng chính thức đang phủ kín nhưng tại sao tín dụng đen vẫn tăng? Tại sao có những điểm tín dụng chính thức phát triển rất mạnh nhưng cũng có những điểm tín dụng đen lại hoành hành?”.

Lấy tỉnh Thanh Hóa làm dẫn chứng. Chỉ tính riêng NHCSXH tỉnh hiện đã xây dựng được mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến 100% các bản, thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 15/1/2019, tổng dư nợ của NHCSXH Thanh Hóa đạt 8.665 tỷ đồng.

Vậy nhưng, tín dụng đen lại gần như “phủ sóng” cả tỉnh này. Theo số liệu của Công an tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 132 công ty dịch vụ tài chính với 142 cơ sở thuộc 23/27 địa bàn; chỉ có 4 huyện là Hà Trung, Nga Sơn, Như Xuân, Quan Sơn là không có công ty dịch vụ tài chính. Trong năm 2018, tại Thanh Hóa đã khởi tố 31 vụ, 88 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng trái pháp luật.

Cần gỡ các nút thắt

Nhiều ý kiến cho rằng, tín dụng đen nở rộ những năm gần đây có nguyên nhân từ việc hệ thống tín dụng chính thức không “chạm” tới tất cả khách hàng. Ngoài ra, thủ tục nhanh gọn, “alo là có tiền” đã khiến nhiều người tiếp cận, dù biết hệ lụy từ tín dụng đen là vô cùng lớn.

Tuy nhiên, việc tín dụng chính thức chưa “chạm” đến tất cả các khách hàng ở khu vực nông thôn có nhu cầu vay vốn là một lý giải chưa sát với thực tế. Hiện nay, bên cạnh hệ thống từ Trung ương đến cơ sở của Agribank thì NHCSXH đã “phủ sóng” đến tận các thôn, bản, ấp, ngay cả ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh nhất. Đội ngũ cán bộ tín dụng (cả chuyên trách và bán chuyên trách) hiện đủ đáp ứng về số lượng để đưa tín dụng chính sách về tận cơ sở.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực nông thôn hiện có 79.899 thôn (ấp, bản). Chỉ tính riêng cán bộ chuyên trách của Hội Nông dân đã là 15.000 cán bộ, đó là chưa kể 275.000 cán bộ bán chuyên trách. Ngoài ra còn có đội ngũ cán bộ của các tổ chức hội khác (Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh,…). Nếu tận dụng được đội ngũ nhân lực này để mở rộng kênh tín dụng chính thức thì việc “phủ sóng” tín dụng chính thức ở khu vực nông thôn, hạn chế tín dụng đen là hoàn toàn có thể.

Nhưng để đầy lùi “tín dụng đen” thì đây mới chỉ là “điều kiện cần”. Điều quan trọng nhất là phải giải quyết được nút thắt ở định mức cho vay và thủ tục vay vốn. Một trong những nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ chính là ở chỗ “alo là có tiền”, “vay bao nhiêu cũng được”.

NHCSXH Việt Nam mới đây đã có quyết định điều chỉnh định mức cho vay. Cụ thể, từ ngày 1/3/2019, NHCSXH nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay; đồng thời thời hạn vay cũng được giãn ra trong 10 năm. Đây được xem là một giải pháp góp phần tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận vốn, hạn chế nạn tín dụng đen.

Tuy nhiên, mục tiêu đẩy lùi tín dụng đen sẽ khó đạt nếu thủ tục xét duyệt cho vay vẫn còn rườm rà như hiện nay. Đơn cử như, một hộ cận nghèo muốn vay vốn thì phải trải qua 4 bước. Đầu tiên là gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn, viết giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay gửi Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Sau đó Tổ tiết kiệm và vay vốn mới họp để bình xét cho vay. Tiếp đó Tổ lập danh sách các hộ gia đình đề nghị vay vốn trình UBND cấp xã để xin xác nhận các hộ xin vay đúng là những hộ thuộc diện hộ cận nghèo. Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn mới gửi hồ sơ lên NHCSXH xem xét, phê duyệt cho vay.

Thủ tục rườm rà là nguyên nhân chính khiến không ít người dân vẫn phải tìm đến tín dụng đen cho dù biết là phải chịu mức lãi suất “cắt cổ”. Bởi vậy, để đẩy lùi “tín dụng đen” thì cần phải tấn công trực diện vào những điểm mạnh của chúng, chứ chỉ cạnh tranh bằng việc nâng định mức, ưu đãi lãi suất là không khả thi.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.