Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

“Về với cát bụi” vì mắc bệnh… bụi phổi: “Thủ phủ”… bụi phổi (Bài 2)

Việt Thắng – Khánh An - 11:06, 20/07/2023

Xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) được xem là thủ phủ khoáng sản ở Nghệ An. Xã đã có đến 11 doanh nghiệp khai thác mỏ. Tuy nhiên, mới chỉ tính riêng mỏ thiếc của Công ty TNHH Hà An, thời gian qua đã có ít nhất 7 công nhân bị bụi phổi, trong đó 4 người đã tử vong.

Một người cha có con qua đời vì bụi phổi, không cầm nổ nước mắt khi trao đổi với phóng viên
Một người cha có con qua đời vì bụi phổi, không cầm nổi nước mắt khi trao đổi với phóng viên

Lá xanh đã vội lìa cành

Anh Hà Văn Cần (33 tuổi) từng là công nhân của Công ty TNHH Hà An tại xã Châu Hồng, phát hiện bị mắc bệnh bụi phổi silic chỉ trong vài năm qua. Năm ngoái anh Cần vẫn còn khá tỉnh táo, dù đã không thể đi lại được. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải dựa vào người mẹ đã 64 tuổi. 

Từ chỗ là trụ cột gia đình, chỉ trong thoáng chốc, anh trở thành gánh nặng cho mẹ. Mọi của cải trong nhà cũng đã lần lượt ra đi sau những lần anh nhập viện. Cũng vì gia cảnh khó khăn, nên dù đã lớn tuổi, Cần vẫn chưa kịp lấy vợ.

Bố mất sớm, chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau, từ nhỏ Cần đã phải ra ngoài mưu sinh. Năm 2014, Cần xin vào làm công nhân của Công ty TNHH Hà An. Đây là công ty khai thác quặng thiếc trên núi gần bản Huống của Cần. Công việc của anh là khoan quặng thiếc. Dù suốt ngày lầm lũi trong mỏ thiếc nhưng cũng chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng/ngày.

 Đến năm 2020, Hà Văn Cần bắt đầu cảm thấy tức ngực, ho, khó thở liên tục. Sức khỏe sa sút nhanh chóng khiến Cần không còn có thể cầm vững mũi khoan, anh mới nhờ người nhà đưa xuống bệnh viện thăm khám. 

“Khi tới viện khám thì mới biết, cháu nó bị bụi phổi silic nặng, không còn có thể rửa phổi được nữa. Các bác sĩ bảo là bị bệnh này do nhiều năm làm công nhân khoan quặng, hít phải quá nhiều bụi” - mẹ của Cần cho biết. Từ chàng thanh niên khỏe mạnh, nặng trên 70kg, sức khỏe của Cần dần xuống dốc, cân nặng chỉ còn chưa đầy 30kg. Và, em đã ra đi trong đau đớn, vật vã. Tiễn chúng tôi, mẹ của Cần cứ thút thít mãi: “Con tôi chưa kịp cưới vợ, lá xanh đã vội lìa cành…”

Công nhân Trần Văn Tàu, bị bụi phổi, rất thiệt thòi vì không có hợp đồng lao động
Công nhân Trần Văn Tàu, bị bụi phổi, rất thiệt thòi vì không có hợp đồng lao động

Từ công nhân đến...phế nhân

Theo giới thiệu của mẹ Cần, chúng tôi ghé nhà anh Trương Văn Tàu (40 tuổi), cách nhà Cần chừng vài chục mét. Anh Tàu nói, anh khá may mắn khi phát hiện bệnh sớm, còn có thể rửa được phổi. Tuy nhiên, căn bệnh bụi phổi silic cũng đã khiến sức khỏe anh suy giảm nghiêm trọng, chỉ có thể đi bộ quanh quẩn trong nhà. “Cứ đi bộ trên 10 mét là đuối sức, khó thở. Từ khi phát hiện bệnh đến giờ đã sút hơn 20kg rồi”, anh Tàu nói.

Anh Tàu xin vào làm công nhân của Công ty TNHH Hà An từ năm 2017. Cũng như anh Cần, công việc của anh Tàu là khoan quặng thiếc trong hầm lò sâu dưới lòng núi. “Bình thường trong hầm lò đã nhiều bụi rồi. Còn mỗi lần khoan quặng thì kinh khủng lắm, bụi bay mịt mù. Hai công nhân khoan cạnh nhau nhưng bụi khiến không thể nhìn thấy mặt nhau”, anh Tàu kể.

 Đến đầu năm 2021, anh Tàu phát hiện bị nhiễm Covid-19. Khi xuống bệnh viện điều trị, sau khi thăm khám thì mới phát hiện anh còn bị bụi phổi silic. Sau đó, anh Tàu xin nghỉ việc. Anh Tàu cho hay, trong quá trình làm việc, công ty cũng có phát mặt nạ để phòng bụi nhưng hầu hết công nhân đều không mang, thậm chí khẩu trang vải cũng không. 

“Thật ra một phần vì chủ quan, không nghĩ bụi lại nguy hiểm như thế này. Một phần vì làm việc trong hầm lò rất nặng nhọc, đeo khẩu trang hay mặt nạ vào là rất khó thở, chỉ làm được một lúc phải tháo ra”, anh Tàu nói thêm.

Dù làm việc tại đây suốt nhiều năm, nhưng cả anh Cần lẫn anh Tàu và nhiều người khác đều không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm. Chính vì thế, sau khi bị bệnh họ đều không được công ty hỗ trợ gì hay được hưởng chế độ dù bệnh bụi phổi thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình làm việc, họ cũng không được công ty tổ chức đưa đi khám sức khỏe định kỳ, nên không thể phát hiện bệnh kịp thời.

Cũng theo anh Trương Văn Tàu, chỉ tính riêng Công ty TNHH Hà An mà anh biết, trong vài năm qua đã có đến 7 người phát hiện bệnh bụi phổi, trong đó 4 người đã tử vong. 

“Tất cả 7 người đều làm công nhân khoan quặng thiếc, đây là bộ phận hứng bụi nhiều nhất. Tuy nhiên, con số 7 người là chỉ những trường hợp ở xã Châu Hồng mà chúng tôi quen biết. Có thể còn rất nhiều người khác cũng bị, nhưng họ ở địa phương khác nên không nắm được”, anh Tàu nói.

Khoan quặng thiếc trong hầm lò
Khoan quặng thiếc trong hầm lò

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Công ty TNHH Hà An xác nhận, có một số công nhân từng làm việc tại mỏ quặng thiếc bị bệnh bụi phổi. “Đó là do trước đây khai thác theo kiểu thủ công nên bụi nhiều. Khoảng 1 năm trở lại đây, chúng tôi đầu tư máy móc hiện đại nên đã hạn chế phần nào được tình trạng này”, vị này nói.

Còn ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, trên địa bàn xã hiện có đến 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. “Về vấn đề công nhân bị bệnh bụi phổi, chúng tôi cũng có biết được một số trường hợp, nhưng về cụ thể thì chính quyền cũng không thể nắm được và cũng không thống kê. Vì các công nhân hầu hết làm việc không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm”, ông Hóa nói.


Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 20/9, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp Hội Khuyến học tỉnh; UBND TP. Bạc Liêu tổ chức Chương trình tặng quà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo và trao học bổng cho học sinh DTTS. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV, năm 2024 và mừng Lễ Sene Dolta năm 2024, lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.