Theo báo cáo từ huyện Con Cuông, mưa lớn đã làm ngập cục bộ thị trấn này, đồng thời gây ngập úng nhiều cầu tràn xã Lục Dạ, sạt lở nặng nề trên quốc lộ 7A tại Dốc Chó. Ở xã Châu Khê đã xảy ra sạt lở buộc phải di dời khẩn cấp 2 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất là ông Hoàng Văn Sơn và Kha Văn Cảnh, ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Hiện móng nhà của 2 hộ gia đình này đã sạt lở đến chân cột nhà, gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình.
Tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương đã xuất hiện sạt lở đất và ngập lũ. Cụ thể, mưa lớn kéo dài, sạt lở, lũ quét khiến 3 nhà dân nơi đây bị thiệt hại; lũ quét cũng xảy ra ở xóm 6, địa bàn giáp với xã biên giới Ngọc Lâm khiến 3 nhà dân bị ngập hoàn toàn.
Đáng quan tâm, mưa lũ cũng đã gây những thiệt hại ban đầu về người và tài sản ở huyện Anh Sơn. Theo đó, trên địa bàn huyện đã có 28 điểm bị ngập nước, trong đó mố cầu Khe Lòa trên tuyến Tỉnh lộ 349D đã bị sạt lở, có nguy cơ sập cầu. Tại xã Hoa Sơn có 3 người ở xóm 4 bị nước lũ cuốn, người dân đã cứu được 2 người, còn 1 người vẫn chưa tìm thấy.
Tình trạng sạt lở, ngập úng xảy ra nặng nề hơn các các huyện miền núi cao. Quốc lộ 7A đi qua các huyện Con Cuông, Anh Sơn đã bị ngập cục bộ một số đoạn khiến phương tiện lưu thông khó khăn.
Dự báo những ngày sắp tới, cơ quan khí tượng thủy văn nhận định mưa sẽ diễn biến phức tạp; vùng thấp trũng dễ ngập úng, vùng núi cao đề phòng sạt lở và lũ quét. Trước tình hình này, thủy điện Khe Bố, bản Ang (Tương Dương), thủy điện Sông Quang… đã lên kế hoạch xả lũ.
Mưa lớn, kết hợp thủy điện xả lũ là cảnh báo cho vùng hạ du, thấp trũng về nguy cơ ngập úng trên diện rộng và kéo dài./.