Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về "thủ phủ" của nghề trồng dó, tạo trầm

Khánh Ngân - 15:43, 03/06/2021

Khi cây dó và cả trầm trong tự nhiên gần như đã không còn, người dân ở vùng Phúc Trạch, Hương Trà của Hương Khê (Hà Tĩnh) đã tìm cách đưa cây dó về để trồng. Với bàn tay khéo léo và kỹ thuật thành thục của người dân nơi đây, cây dó đã được tạo trầm, mở ra hướng phát triển kinh tế có giá trị cao cho mảnh đất này.

Những khu rừng trồng Dó của người dân trên đất Hương Khê
Những khu rừng trồng Dó của người dân trên đất Hương Khê

Từ “săn trầm” đến thủ phủ trồng cây dó 

Từ trung tâm thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh), xuôi về hướng Nam trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đến vùng thượng huyện Hương Khê và các xã phía Tây Bắc huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình - nơi đây được coi là thủ phủ của cây dó trầm. Trong đó, địa phận xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê là vùng lõi và cũng chính là quê hương của cây dó trầm tự nhiên.

Từ những năm 1985, 1988 trở về trước, vùng đất Phúc Trạch có nhiều hộ gia đình trở nên giàu có bởi những chuyến đi rừng trúng dó trầm. Người làng cứ thế mà rủ nhau vào rừng tìm cho kỳ được cây dó trầm, mong được đổi đời. Những cuộc vào rừng “săn” dó trầm không dừng lại ở những cánh rừng phía Đông, họ còn vượt sang cả phía Tây của dãy Trường sơn hùng vĩ, thuộc địa phận nước bạn Lào.

Trong câu chuyện về loài cây và sự kỳ bí trong hình thành thứ trầm đắt đỏ này, ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) chia sẻ: Bản thân tôi cũng đã có 4 đến 5 lần đi rừng “săn” trầm, còn sang cả rừng của Lào để tìm trầm. Trong thời gian đó, có nhiều người bỗng chốc giàu lên nhờ trúng dó trầm.

Tuy nhiên, sau những chuyến băng rừng “săn”, thậm chí cả bới đất, lặn sông tìm dó, là một lần dó trầm trong tự nhiên ít đi. Cứ thế, cho đến khi những tin trúng  trầm thưa dần, thưa dần rồi hết hẳn. Những cuộc đi “săn”, lùng sục tìm dó trầm ở những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn mới chịu lặng xuống, nguội đi, và người tìm trầm mới tính đến việc trồng dó, tạo trầm!

Đầu tháng 3 năm nay, gia đình nhà bà Mục ở xóm 3 xã phúc trạch bán 1 cây dó trầm trồng trong vườn nhà, với giá 380 triệu đồng. Một lần nữa, những câu chuyện xung quanh loài cây này lại nóng lên như những câu chuyện trúng trầm của những thập niên 80 của thế kỷ trước.

Nhiều sản phẩm được làm ra từ Trầm Dó có giá trị kinh tế cao
Nhiều sản phẩm được làm ra từ Trầm Dó có giá trị kinh tế cao

Kỹ thuật “đục” dó tạo trầm

Theo người dân nơi đây, khi trồng cây dó được 6- 9 năm, gốc cây có đường kính từ 25-35cm, cao khoảng 7m, những kỹ thuật để tạo vết thương cho cây hình thành trầm được thực hiện. Đầu tiên phải chọn những cây dó đủ tiêu chuẩn để khoan lỗ. Khi khoan mũi khoan có đường kính 2,5cm, độ sâu chừng 2-3cm và khoan từ gốc cây lên đến 2/3 chiều cao thân cây theo một mật độ nhất định. 

Sau đó, cho chất tạo trầm vào rồi nhét một đoạn ống nhựa cùng kính cỡ vào lỗ. Người làm nghề khoan dó cứ lơ lửng, hết cây này rồi lại sang cây khác; hết vườn nhà này, rồi lại đến nhà khác… người thợ cứ miệt mài tạo trầm cho dó.

Đang treo mình lơ lửng với đai an toàn trên cây dó, anh Nguyễn Huy Hoàng, ở xóm 7, xã Hương Trà (huyện Hương Khê) cười nói “Cái nghề này đòi hỏi phải có kỹ thuật, tính linh hoạt và đặc biệt là phải có sức khỏe”. 

Nhìn đôi tay cơ bắp cầm chiếc khoan, đôi mắt dõi chăm chú theo mũi khoan để sao cho đủ độ sâu, mật độ các mũi khoan trên thân cây dó, đủ biết tay nghề anh Hoàng đã đến mức nhuần nhuyễn. Hỏi chuyện người làm cùng tổ, mới biết anh Hoàng đã có thâm niên khoan cây dó 5 năm và là một người thợ được người trồng dó tin tưởng.

Cái nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời” cũng cho thu nhập khá, mỗi ngày được khoảng 400 nghìn đồng. "Đối với nông thôn, thu nhập như thế là rất khá, thế nhưng không phải ai cũng làm được, phải có nghề", Hoàng nói!

Nghề khoan dó được coi là nghề nguy hiểm, làm việc ở môi trường  trên cao, không cho phép có một sai lầm nào, dù là nhỏ nhất. Trên thực tế, ở thủ phủ dó trầm này, đã có không ít thợ khoan phải dải nghệ vì tai nạn, hay khi sức khỏe xuống cũng buộc phải giải nghệ. Còn người muốn vào nghề thì cũng phải học, nhưng không phải ai cũng học được, vì là nghề đặc thù, nghề có những đòi hỏi khắt khe riêng biệt.

Kể từ khi chuyển sang trồng dó tạo  trầm, những câu chuyện giàu lên nhờ đi rừng tìm trầm đã không còn được kể ở vùng đất giáp ranh này nữa. Theo như tìm hiểu, ở vùng lõi Phúc Trạch có những dó trầm, được bán với giá  vài trăm triệu đồng, còn những cây dăm ba chục triệu thì nhiều không kể xiết. 

Bởi vậy, số người giàu lên nhờ cây dó trầm cũng ngày một nhiều lên. Chỉ tay về phía khu vườn dó trầm, ông Nguyễn Đức Phong, ở xóm 8, xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) cho biết, hiện trong vườn nhà ông có 100 cây Dó; nếu bán tất cả vào thời điểm này thì được khoảng 1 tỉ đồng. 

"Cây từ 5-7 năm tuổi có giá từ 15-20 triệu đồng. Còn có những cây lâu năm hơn thì khoảng 50 triệu đồng. Nhưng tôi chưa bán, xem như nó là của để dành", ông Phong nói.

Anh Nguyễn Huy Hoàng đang khoan lỗ tạo Trầm trên cây Dó
Anh Nguyễn Huy Hoàng đang khoan lỗ tạo trầm trên cây dó

Không chỉ ở Phúc Trạch, một số xã như Hương Trạch, Hương Trà… của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và một số xã Hương Hóa, Thanh Hóa của huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cũng trồng loài cây này. Người ta trồng dó ở mọi nơi có thể, tận dụng cả hàng ràng để trồng dó.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Ngô Xuân Ninh, chia sẻ: Mặc dù cây dó trầm ở đây trồng rất nhiều, nhưng sản phẩm trầm tạo ra chỉ có chất lượng bằng khoảng 30% dó trầm trong tự nhiên. Điều trăn trở nữa là, hiện tại, có đến 90% cây dó khi đã tạo được trầm và khai thác đều phải bán cho thương lái để chuyển vào vùng trong như Huế, Quảng Nam…. 

"Thời gian tới đây, địa phương sẽ tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp để tham gia chế tác, chiết xuất trầm và các sản phẩm khác từ cây dó, từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm trầm. Từ đó, đưa cây dó trầm trở thành cây chủ lực để phát triển kinh tế của địa phương", ông Ninh nói.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.