Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Chắt chiu nghĩa tình

Nguyễn Thanh - 12:33, 01/02/2021

“Dân tôi ngàn năm khó nhọc/mà sống chắt chiu câu nghĩa tình”. Xin được mượn ca từ bài hát “Hà Tĩnh mình thương” của cố nhạc sĩ An Thuyên chỉ để nói rằng: Dẫu cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng người dân miền Trung vẫn dạt dào tình nghĩa. Từ trong gian khổ, nhọc nhằn của cuộc sống đời thường, tình người đã được chắt chiu để ngời sáng lung linh.

Cụ bà Lê Thị Thanh (73 tuổi) ở xóm 5 xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) bán gà góp 50.000 đồng vào quỹ chống dịch
Cụ bà Lê Thị Thanh (73 tuổi) ở xóm 5 xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) bán gà góp 50.000 đồng vào quỹ chống dịch

Bao đời nay, cuộc sống mưu sinh của người dân miền Trung luôn đầy vất vả, nhọc nhằn. Mảnh đất ấy, có cái nắng đến cháy da, cái lạnh thấu xương, có những thiên tai, bão lũ hoành hành. Chưa năm nào, vùng đất ấy vắng thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... Và hậu quả của thời tiết cực đoan ấy, ngày càng tăng thêm khiến người chết, nhà trôi, tài sản bị nhấn chìm trong dòng nước bạc. Dù thế, chưa bao giờ người miền Trung cạn tình, khô nghĩa.

Còn nhớ, những ngày cao điểm cả ước hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân quên đi những khó khăn riêng mà chung tay vì đại dịch Covid-19. Trong rất nhiều những tấm lòng thơm thảo, tôi đặc biệt chú ý và thực sự xúc động hơn bao giờ hết trước sự đóng góp của những người cao tuổi.

Cảm xúc rưng rưng về cụ bà Nguyễn Thị Huệ (98 tuổi) ở thôn Hà Sơn, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đến UBND xã chỉ để trao tặng 1 triệu đồng vẫn còn rõ nét trong tôi. Số tiền ấy được cụ Huệ trích từ chế độ được hưởng dành cho đảng viên 70 năm tuổi Đảng và tiền mừng tuổi hàng năm của mình.

Rồi hình ảnh cụ bà Lê Thị Thanh (73 tuổi) ở xóm 5 xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) bán gà góp 50.000 đồng vào quỹ chống dịch khiến chúng ta càng thêm suy nghĩ. Cụ Thanh nhà rất nghèo, nhưng khi đoàn vận động gây quỹ đi qua, cụ đã gọi lại với những lời “trách móc” đẫm tình người: “Các chú chê bà nghèo, không cho bà ủng hộ chống dịch à”, rồi lật đật vào nhà lấy ra 50.000 đồng mà không đắn đo, do dự.

Trước nghĩa cử vượt lên hoàn cảnh khó khăn ấy, xóm trưởng xóm 5 xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) Lê Xuân Chung đã phải thốt lên: “Chúng tôi không nỡ từ chối. Cũng sợ cụ buồn nên chúng tôi phải nhận”. Rồi ông Chung kể thêm: “Chưa bao giờ người dân lại hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ nhiệt tình như vậy. Người góp tiền, góp của; có khi những đóng góp ấy là mớ rau, cân gạo, buồng chuối. Nhiều câu chuyện diễn ra đã khiến đoàn đi quyên góp xúc động”.

Việc làm nghĩa tình ấy của các cụ đã nhanh chóng tạo nên sự lan toả trong cộng đồng. Và rồi, chúng ta đã được chứng kiến nhiều tấm lòng, nhiều nghĩa cử cao đẹp, từ những em nhỏ trong công cuộc vận động quỹ phòng dịch. Nhi đồng Hồ Phúc Toàn lớp 3B trường tiểu học Phúc Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã đạp xe lên UBND xã tặng nguyên con lợn đất có số tiền 213.000 đồng; Trần Quỳnh Chi lớp 3B trường tiểu học Đức Thanh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã đạp xe lên Hội đồng đội huyện tặng 150.000 đồng cùng một bức thư…

Bấy nhiêu thôi, cũng đã ngời sáng lòng nhân ái, sự sẻ chia thật ấm lòng. Còn tôi cũng đã hiểu rằng, chính hành động của những cụ Huệ, cụ Thanh… là gương sáng, là động lực để những Toàn, Chi… “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Vượt lên cuộc sống thiếu thốn, khó khăn hàng ngày; tất cả các khu cách ly ở miền Trung đã nhận được những tình cảm yêu thương, ấm áp của bao người. Điều mà người dân mang đến cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch chính là tình cảm đồng bào nồng ấm.

Mỗi người có một cách để thể hiện tình yêu nước, thương nòi của mình. Người có công góp công, người có của góp của. Những cân gạo, mớ rau, những chiếc mũ chống giọt bắn, chiếc khẩu trang, những chiếc máy khử khuẩn… đến với các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở khu cách ly bằng con đường của tình yêu thương, sự chia sẻ.

Những ngày qua, lời hiệu triệu kêu gọi góp quỹ ủng hộ người nghèo ở Nghệ An diễn ra mạnh mẽ. Những tấm lòng thơm thảo, những ý tưởng, mục đích của những người tổ chức… không gì ngoài mong muốn người nghèo có một cái tết ấm áp hơn. Chỉ trọng một thời gian ngắn, Nghệ An đã huy động gần 90 tỉ đồng chăm lo tết cho người nghèo. Những đồng tiền góp quỹ ấy được đánh đổi bằng những mồ hôi, nước mắt của cuộc mưu sinh hàng ngày.

Tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ vinh danh tấm lòng vàng 2020, Tết vì người nghèo 2021
Tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ vinh danh tấm lòng vàng 2020, Tết vì người nghèo 2021

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã rất xúc động trong Lễ vinh danh tấm lòng vàng 2020, Tết vì người nghèo năm 2021. Ông Trung nhấn mạnh: “Kết quả ủng hộ trong bối cảnh khó khăn của năm 2020, là một trong những minh chứng sinh động nhất khẳng định truyền thống đạo lý tốt đẹp “thương người như thể thương thân”, “cuộc sống dù còn khó khăn nhưng trọng nghĩa tình” của người dân xứ Nghệ. Điều này cũng thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cả cộng đồng đối với người nghèo, người gặp khó khăn, hoạn nạn, đối với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; vừa thể hiện niềm tin sâu sắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.



Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.