Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

“Gom” ruộng để làm ăn lớn

Thanh Hải - 16:33, 26/02/2021

Dẫu chưa thể gọi là “thẳng cánh cò bay”, nhưng những cánh đồng rộng nhiều ha nhờ “gom”, thuê, mượn... đã “hé lộ” một cách thức làm ăn lớn từ việc tổ chức lại sản xuất thông qua tích tụ ruộng đất. Từ khát khao, hoài bão của những “hai lúa”, đất đang đẻ ra tiền.


Người dân vùng Đồng Cò xã Viên Thành sản xuất quy mô lớn từ những thửa ruộng thuê mượn
Người dân vùng Đồng Cò xã Viên Thành sản xuất quy mô lớn từ những thửa ruộng thuê mượn

“Gom” ruộng để làm ăn lớn

8 năm trước, ông Nguyễn Đức Tuấn bỏ làng Lương Trung, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) theo con sang Thái Lan làm ăn. Ở xứ người, ông không nghĩ sẽ có ngày trở lại với nghề nông nhọc nhằn – làm ruộng. Ấy thế mà, hết ông rồi đến con ông đều trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” để mưu sinh.

Ngày ông Tuấn trở về, vợ ông - bà Nguyễn Thị Xoan, cáng đáng gần 1ha lúa cùng 10 con trâu bò. Thêm ông, với ngần ấy việc là quá hoang phí sức. Nhiều đêm trằn trọc, ông bàn vợ thuê, mượn ruộng của bà con quanh vùng để sản xuât lúa quy mô lớn. 

Ông Tuấn kể: 'Ở cái làng này, chưa ai khấm khá từ làm ruộng. Thế nên, bàn mãi, nhà tôi vẫn khó xuôi. Đến khi bà ấy thông, mình lại lo không thuê, mượn được ruộng".

Quan trọng là mình thấy yên tâm vì làm việc ngay chính trên quê hương mình.

Nông dân Nguyễn Đức Tuấn

Những ngày sau đó, ông Tuấn đi khắp làng trên xóm dưới, cậy nhờ nhiều người để thuê mượn ruộng. Thấy chí ông quyết, hơn 50 hộ trong làng đồng ý cho ông mượn ruộng. Có ruộng trong tay, ông lên ngân hàng vay mượn 300 triệu đồng lận lưng đầu tư mua sắm máy cày, máy gieo hạt, máy bơm nước… 

Hàng tháng trời, người làng thấy vợ chồng, con cái ông nai lưng trên đồng ruộng đắp bờ, be thửa, khai hoang phục hóa. Đất không phụ công người, mỗi vụ trừ chi phí, gia đình ông thu về chừng 150 triệu đồng. Ông bảo, hiện ông có trong tay ngót 14ha lúa; việc làm không hết nhưng thu nhập ổn định. 

Cùng ý tưởng như ông Tuấn, ở xóm Phù Ích trong xã cũng đang có những lão nông sở hữu nhiều ha ruộng từ việc thuê, mượn ruộng của người khác. Làng Phù Ích chẳng lạ ông Trần Quốc Dũng, Trần Quốc Lĩnh… hay thậm chí là ông Chủ tịch UBND xã Ích Hậu  Nguyễn Xuân Quân. Tính sơ sơ, mỗi người đang có trong tay ngót nghét 4ha ruộng lúa từ việc thuê mượn. Ông Trần Quốc Lĩnh, nông dân xóm Phù Ích cho rằng: Nếu đầu tư đúng cách, khoa học thì làm ruộng quy mô lớn vẫn có của ăn của để.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn thuê gần 28ha đất của 154 hộ dân ở Lưu Vĩnh Sơn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) để xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn thuê gần 28ha đất của 154 hộ dân ở Lưu Vĩnh Sơn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) để xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Vùng Đồng Cò, xã Viên Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) được nhiều người ví là vùng “đất khó”, bởi địa hình thấp trũng, dễ bị ngập úng nhưng cũng rất khó lấy nước mùa hạn. Một phần vì cái khó đó, lại thiếu lao động sản xuất, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân đã cho người khác thuê mượn, thậm chí trả ruộng. 

Vậy là lão nông Trần Khắc Tĩnh - một người dân trong xã đã đứng ra nhận hết. Ông Tĩnh tâm sự: “Lúc đầu cũng đắn đo, phân vân vì mình cũng đâu có người làm, nhưng rồi lại nghĩ mình là con nhà nông thì phải theo nghề nông thôi. Vậy là họ trả, mình nhận tất. Cũng hơn 3ha đấy”.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) khoe: Không chỉ nhiều hộ mà nhiều hợp tác xã cũng đã thuê, mượn lại ruộng của người khác để làm ăn lớn. Điều này vừa dễ canh tác, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Chủ trương này đang được huyện khuyến khích và hỗ trợ tối đa về mọi mặt.

Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt

Đứng trước yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng hàng nông sản ngày càng cao, thì vấn đề tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất thông qua hình thức thuê mượn, góp ruộng sẽ mang tính tất yếu trong tiến trình phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá. “Gom” ruộng đất để tổ chức lại sản xuất sẽ mang hiệu quả lớn, nhưng vì sao còn ít người làm?! 

Chủ tịch UBND xã Ích Hậu huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) Nguyễn Xuân Quân thẳng thắn: Đưa cơ giới hoá vào phục vụ sản xuất đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả đầu ra. Người dân cũng đã thấy rõ điều này, nhưng họ chưa trả ruộng hoặc thậm chí “gom” ruộng lại để cùng sản xuất là do sức ì tâm lý, chưa thoát ra khỏi tư duy sản xuất nông nghiệp kiểu tự cung tự cấp, nhỏ lẻ.

Vợ chồng ông Tuấn cần mẫn trước vụ sản xuất mới
Vợ chồng ông Tuấn cần mẫn trước vụ sản xuất mới

Thực tế hiện nay, việc người dân trả ruộng là rất ít. Ngoài lối tư duy “kiểu gì cũng phải có ruộng”, thì một phần là do không có đất ruộng để thuê mượn, hai là nếu có để thuê mượn, thì cũng rải rác ở rất nhiều vùng nên không liền đồng, liền thửa để canh tác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) Nguyễn Văn Dương cũng băn khoăn,  người nông dân còn vướng sức ì rất nặng về tư tưởng, bởi hộ nào cũng muốn giữ đất, dù diện tích đó không nhiều, vì thế mà không ai trả ruộng hoặc cho người khác thuê mượn lại. Xu thế tất yếu hiện nay, là phải tổ chức lại sản xuất từ việc tập trung đất ruộng, “gom” đất ruộng của nhiều hộ để làm ăn lớn chưa thể thực hiện được.

Có một điều mà dường như nhiều người chưa hiểu, hoặc ngại thay đổi. Ấy là việc tích tụ ruộng thành vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn hơn, thì việc chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV thấp hơn; ứng dụng máy móc, tiến bộ KHKT vào sản xuất tốt hơn, góp phần làm giảm chi phí công lao động, nhưng dường như người nông dân chưa nhận ra hoặc chưa muốn thay đổi.

Tôi đã không đủ thời gian đi hết những bờ thửa của những “hai lúa” ôm mộng tích điền. Chỉ thấy xa xa, từng lớp sóng lúa dồn dập đổ về bờ. Lúa đang thì con gái, mơn mởn, non tơ. Chẳng hẹn rồi sẽ gặp, chừng ít tháng nữa thôi, mùa gặt lại về.


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.