Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông nghiệp công nghệ cao ở vùng DTTS

Lê Hường - 16:02, 12/02/2021

Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đang dần hình thành những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, không ít dự án xây dựng ở vùng đồng bào DTTS, đặt kỳ vọng rất lớn về sự bứt phá, làm giàu cho những người nông dân…

Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao lớn nhất Tây Nguyên tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.
Lễ khởi công Dự án Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao lớn nhất Tây Nguyên tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Những dự án ngàn tỷ

Từ những chủ trương, chính sách đánh thức tiềm năng phát triển nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, mới đây, một số dự án chăn nuôi CNC với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã được khởi công trong vùng đồng bào DTTS hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cũng như nâng cao đời sống người dân vùng khó.

Cuối tháng 9/2020, Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan) phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Lễ khởi công Dự án Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng CNC DHN Đăk Lăk tại xã nghèo Ea M’đroh, huyện Cư M’gar.

Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng, với quy mô khoảng 200ha. Trong đó, khu trang trại chăn nuôi lợn giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan, có diện tích khoảng 80ha; khu trang trại chăn nuôi gà giống khoảng 30ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và sản xuất phân bón hữu cơ khoảng 15ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20ha; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh khoảng 30ha; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 25ha. Dự án được thực hiện từ quý III/2020 đến quý IV/2025.

Người dân huyện Sa Thầy (Kon Tum) không ai nghĩ rằng, một đại dự án về nông nghiệp CNC lại được xây dựng ở huyện vùng biên giới này. Vậy nhưng, tháng 9 vừa qua, huyện Sa Thầy cũng hân hoan khởi công “Dự án chăn nuôi bò sữa lớn nhất khu vực Tây Nguyên” mang tin vui đến hàng trăm hộ dân xã biên giới Mô Rai.

Dự án Chăn nuôi bò sữa CNC Sa Thầy, Kon Tum.
Dự án Chăn nuôi bò sữa CNC Sa Thầy, Kon Tum.

Dự án của Tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư 2.544 tỷ đồng, với quy mô 10.000 con bò sữa. Đặc biệt, Dự án sẽ liên kết với nông dân nuôi 20.000 con thông qua mô hình Hợp tác xã CNC.

Các dự án chăn nuôi lớn này mang kỳ vọng đổi thay những vùng quê nghèo, tạo tiền đề giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Kỳ vọng đổi đời

Ông Ngô Điền Phương, Chủ tịch UBND xã Ea M’đroh, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) vui mừng chia sẻ: Toàn xã có đến hơn 90% đồng bào DTTS. Đời sống đại bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giải quyết việc làm. Dự án “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng CNC DHN” được xây dựng tại địa phương hứa hẹn sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao đời sống người dân.

Là người trực tiếp liên hệ, mạnh dạn kết nối với doanh nghiệp và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy không giấu được niềm vui, khi Dự án chăn nuôi bò sữa được khởi công.

Ông Sâm cho biết, Sa Thầy là huyện vùng cao biên giới, có đường biên giáp với nước Campuchia dài 32km. Toàn huyện có 10 xã và 1 thị trấn, trong đó có 7 xã đặc biệt khó khăn, 2 xã biên giới. Đồng bào DTTS chiếm 57% với trên 20 dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trong một chuyến đi tham quan Dự án chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng, ông nhận thấy, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương có nhiều nét tương đồng, thuận lợi phát triển chăn nuôi. Được tỉnh tạo điều kiện, cam kết “trải thảm đỏ” cho Tập đoàn TH triển khai Dự án, ông kết nối và triển khai hợp tác.

“Dự án này đi vào hoạt động sẽ có nhiều đóng góp cho kinh tế địa phương. Góp phần thay đổi tư duy nông nghiệp của nông dân và mở ra nhiều mô hình sinh kế mới, giúp người dân, nhất là người DTTS thoát nghèo”, ông Sâm khẳng định.

Hiện tại, huyện Sa Thầy đang khuyến khích người dân tham gia các Hợp tác xã để tăng cường liên kết, nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, huyện phấn đấu có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn dưới 20%.

Mô hình trồng rau an toàn tại Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum
Mô hình trồng rau an toàn tại Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum

Tại buổi Lễ khởi công Dự án “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng CNC DHN Đăk Lăk”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá: Dự án “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng CNC DHN Đăk Lăk” mở ra triển vọng, đánh dấu một mốc phát triển mới của ngành Chăn nuôi. Đặc biệt là tạo tiền đề xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Dự án áp dụng công nghệ 4.0, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng; tạo ra cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi giá trị cao, canh tác hữu cơ theo công nghệ hiện đại. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.