Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về thủ phủ của cây quế

Hoàng Quý - 17:05, 05/07/2021

Từ lâu, cây quế đã là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái. Để tăng giá trị cho cây quế, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp như: triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi; hỗ trợ người dân về giống; thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư; đăng ký bảo hộ về tên gọi, xuất xứ cũng như chỉ dẫn địa lý…

Nhiều sản phẩm từ cây quế có giá trị kinh tế cao
Nhiều sản phẩm từ cây quế có giá trị kinh tế cao

Nhiều tỉ phú từ trồng quế

Trong một chuyến công tác tại Yên Bái, chúng tôi có dịp đến huyện Văn Yên, nơi có diện tích trồng quế lớn nhất của tỉnh. Nhờ cây quế mà thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Cây quế đã làm thay đổi diện mạo các vùng quê của Văn Yên, từ nhà xây, xe máy đến ô tô cũng từ tiền bán quế.

Đến thăm gia đình anh Bàn Văn Minh, thôn Làng Câu, xã Tân Hơp (Văn Yên), người đã có hơn 30 năm thâm niên trồng quế, chúng tôi mới thấy rõ được sự thay đổi mà giống cây này mang lại cho người dân nơi đây. Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, anh Minh khoe tất cả gia tài của mình đều từ quế mà có được.

Anh Minh chia sẻ, hiện gia đình anh có gần 60ha trồng quế; cứ mỗi 1ha lại có giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Mấy năm nay, quế được giá nên tiền công làm các công việc "ăn theo" rất cao. Như nhà anh, vào mùa thu hoạch quế phải thuê lượng nhân công gần 20 người, với mức tiền công thấp nhất là 250 nghìn đồng/người/ngày.

Theo như ông Triệu Quốc Toản, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp thì, cây quế thực sự là cây đổi đời của người dân địa phương. Toàn xã Tân Hợp có gần 1.300 hộ dân thì 80% hộ được coi là “tỷ phú”, riêng thôn Làng Câu cũng có ¾ số hộ xây được nhà đẹp, kiên cố, đời sống ổn định. 

“Nhờ có quế mà người dân có tiền xây nhà, mua ô tô”, ông Toản phấn khởi nói.

Được biết, toàn huyện có trên 50 nghìn ha quế, phân bổ ở tất cả 25 xã, thị trấn, Văn Yên trở thành “thủ phủ” của cây, đứng đầu về diện tích quế trong cả nước. Mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.500 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành, lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu đạt 300 tấn/năm, sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000 m3/năm.

Quế còn là một trong những sản phẩm chính tham gia vào thị trường xuất khẩu nông - lâm sản của tỉnh Yên Bái. Quế vỏ, tinh dầu và các đồ thủ công mỹ nghệ từ quế được sản xuất, tiêu thụ theo đơn đặt của khách hàng, tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước như: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả rập, Mỹ, Anh, Hà Lan, Nga...

Gỗ quế được các cơ sở, hợp tác xã thu mua, sản xuất ván bóc, xẻ thanh bao bì, xẻ nan bán cho Đài Loan, Trung Quốc, ngoài ra gỗ quế còn được sử dụng trong các công trình xây dựng.

Đặc biệt mới đây, quế Văn Yên còn là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Cùng với đó, Vương quốc Thái Lan đã quyết định bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên tại Thái Lan. Những động thái trên đã khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng trên thị trường quốc tế.

Người dân Văn Yên (Yên Bái) thu hoạch quế
Người dân Văn Yên (Yên Bái) thu hoạch quế

Tạo nền tảng để phát triển bền vững

Để nâng cao giá trị cây quế, tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực triển khai hiệu quả tiểu đề án phát triển cây quế - thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ bà con về giống, lồng ghép một số chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân khai thác và chăm sóc cây quế. Nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa cây quế vào kế hoạch trồng rừng hằng năm. Đồng thời có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế từ cây quế.

Tỉnh Yên Bái  cũng đã quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế, tinh dầu quế theo hướng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình chế biến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm quế; tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp như: gặp mặt, đối thoại, đơn giản hóa thủ tục hành chính; vận động, giúp đỡ các doanh nghiệp thành lập các hội, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trong trồng trọt, sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Ngoài những giải pháp trên, theo ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái,  tỉnh chú trọng phát triển, duy trì nguồn nguyên liệu chất lượng. Đồng thời, làm tốt công tác bảo tồn giống quế gắn với việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh Yên Bái…

Tỉnh Yên Bái thường xuyên cử cán bộ khuyến nông về cơ sở, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mới trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình cây sinh trưởng; khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm hàng hóa; chỉ đạo lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý thị trường, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm thương hiệu, bản quyền, gian lận thương mại…

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.