Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyển biến mới ở Nà Hẩu

Trọng Bảo - 23:37, 28/02/2020

Là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Văn Yên (Yên Bái), trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, xã Nà Hẩu đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Cây quế đang là một trong những cây trồng chủ lực hứa hẹn góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào xã Nà Hẩu.
Cây quế đang là một trong những cây trồng chủ lực hứa hẹn góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào xã Nà Hẩu

Xã Nà Hẩu có 438 hộ với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Xã nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, có diện tích tự nhiên 5.639,52ha nhưng đất nông nghiệp chỉ có 73,3ha. Là xã thuần nông nhưng diện tích đất canh tác hạn chế khiến cho đời sống của bà con gặp không ít khó khăn. Không chấp nhận cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự cố gắng của Nhân dân, bằng nhiều cách làm và việc tận dụng những lợi thế sẵn có, cuộc sống của đồng bào đã và đang từng bước thay đổi.

Gia đình anh Giàng A Lử ở thôn Trung Tâm, thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2019, anh Lử được hỗ trợ 200 con gà đen giống. Nhờ tuân thủ kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ, đàn gà phát triển nhanh. Lứa đầu tiên xuất bán, trừ chi phí anh Lử thu về gần 20 triệu đồng.

Theo thống kê, xã Nà Hẩu hiện đã có 14 hộ dân xây dựng mô hình nuôi gà đen hàng hóa, với quy mô trung bình khoảng 200 con/hộ. Từ thói quen chăn nuôi tự cung, tự cấp, bà con đã từng bước phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, mạnh dạn đầu tư, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo ra sản phẩm chất lượng.

Bí thư Đảng ủy xã Nà Hẩu Giàng Chẩn Phử cho biết: Cùng với việc đưa các cây, con có giá trị vào nuôi trồng, hiện Nhân dân trong xã cũng đang tích cực phát triển mở rộng diện tích trồng cây quế. Cây quế rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Nà Hẩu, nên đây là một trong những cây trồng chủ lực của bà con.

Bên cạnh việc nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, những năm gần đây Nà Hẩu đang từng bước phát triển du lịch cộng đồng. Dựa vào những nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp… nơi đây đã và đang là điểm đến thu hút du khách đến khám phá và trải nghiệm. “Hiện nay, huyện Văn Yên đang xây dựng các tour và thực hiện các điểm khai thác du lịch nội huyện. Trong đó, Nà Hẩu là một địa điểm trong hành trình khám phá trải nghiệm với các hạng mục: khu nghỉ dưỡng, hệ thống hang động, rừng nguyên sinh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu gắn với ẩm thực của người Mông như gà đen, ốc rạ, bánh dày…”, ông Phử cho biết thêm.

Với nhiều cách làm sáng tạo, tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, KT-XH xã Nà Hẩu đã từng bước có những chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt gần 20 triệu đồng/người/năm; 80% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 89% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% người dân được tham gia bảo hiểm y tế. Nà Hẩu cũng đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt chuẩn theo quy định; nhiều hủ tục lạc hậu được người Mông xóa bỏ.

Trong chuyến về thăm và làm việc tại xã Nà Hẩu mới đây, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao những kết quả trong phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo mà xã đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng mong thời gian tới đồng bào các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống tương thân, tương ái, xây dựng khối đại đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế nâng cao thu nhập…

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.