Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tư duy mới cho cuộc sống mới

PV - 14:32, 02/07/2019

Trước đây, để vận động được thanh niên DTTS rời buôn làng, xuống phố làm việc là điều không phải dễ. Nhưng nay, nhiều người đã thay đổi tư duy, thay đổi tập quán lao động cố hữu, vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp. Nhờ đó, cuộc sống của họ ổn định hơn, từng bước hòa nhập và bắt kịp với lối sống hiện đại.

Tư duy mới 

Đồng bào DTTS chấp nhận rời buôn làng để xuống phố làm việc, là sự chuyển biến rất lớn trong suy nghĩ và tư duy mới. Bởi lâu nay, đồng bào chỉ quen với nương rẫy, núi rừng và rất ngại rời xa nơi mình sinh sống nên cuộc sống rất khó khăn. Anh Cao Tuấn, người dân tộc Raglai ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Suối Dầu tâm sự: “Trước đây, chúng tôi đi rẫy, làm thuê, rảnh rỗi lại mua rượu về uống. Nhiều người say xỉn tối ngày, không lo cho gia đình. Thế nhưng, từ ngày làm công nhân, chúng tôi bỏ hẳn nhậu nhẹt, giữ gìn sức khỏe để tập trung vào công việc. Nhờ đó, cuộc sống không còn vất vả, con cái không còn thiếu ăn, thiếu mặc như trước. Vợ chồng tôi đã mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt như: tivi, tủ lạnh, xe máy, máy giặt…”.

Nhiều lao động là người DTTS đang làm việc trong các doanh nghiệp, có cuộc sống ổn định. (Ảnh minh họa) Nhiều lao động là người DTTS đang làm việc trong các doanh nghiệp, có cuộc sống ổn định.  (Ảnh minh họa)

Còn anh Cao Sương, dân tộc Raglai ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chia sẻ: Từ khi vào làm việc trong doanh nghiệp, anh mới hiểu rõ được giá trị đồng tiền mình làm ra; hiểu được môi trường làm việc công nghiệp. Qua đó, rèn luyện được tính kiên nhẫn; có chịu khó trong lao động thì mới đem lại cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và gia đình, con cái. Đồng thời, hiểu hơn về những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”. Từ suy nghĩ ấy, anh Sương luôn nỗ lực, phấn đấu và được xem là tấm gương sáng trong công ty. Hiện anh đã được kết nạp Đảng.

Ông Mấu Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: Để người dân thay đổi tư duy, thay đổi tập quán làm rất khó khăn. Huyện đã chỉ đạo các ban ngành, hội đoàn thể tập trung tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nên nhiều người đã hiểu ra, và cho con em mình đi làm việc ở các doanh nghiệp. Hiện nay, huyện đã vận động và tạo điều kiện cho hơn 190 lao động người đồng bào DTTS làm công nhân. Có việc làm, thu nhập, nhận thức và ý thức của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số người đi làm trước, thấy hiệu quả đã kêu gọi anh em, người trong làng cùng tham gia. Từ đó, chất lượng cuộc sống được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Cuộc sống mới

Theo thống kê của Sở Lao động,Thương binh và Xã hội Khánh Hòa, hiện nay tại các khu, cụm công nghiệp có khoảng 500 công nhân người DTTS. Mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Đơn cử như, tại phân xưởng chế biến hải sản của Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam có hơn 150 công nhân là người DTTS. Đôi tay thoăn thoắt lột vỏ tôm, chị Cao Thị Kim Ngân (dân tộc Raglai ở xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) cho biết: Trước đây, mình chỉ ở nhà trông con, còn chồng đi làm thuê. Bữa nào có việc thì có thịt, có cá, hôm nào không có thì ăn sắn, ăn rau. Vì vậy, cuộc sống gia đình gặp nhiều thiếu thốn. Năm 2017, được chính quyền địa phương vận động, mình đăng ký đi làm công nhân. Ngày đầu mới vào làm, công việc còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nay mình đã thạo nghề và nằm trong tốp công nhân sản xuất giỏi, thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng. Chồng mình giờ cũng vào làm việc tại công ty, mỗi tháng 2 vợ chồng thu nhập hơn 15 triệu đồng. Cuộc sống gia đình cũng khấm khá, con cái được ăn học đàng hoàng hơn.

Tại Công ty TNHH Long Sinh cũng có hàng chục công nhân là người đồng bào DTTS đang làm việc, với mức lương từ 7-15 triệu đồng/tháng. Anh Cao Văn An, dân tộc Raglai ở Khánh Vĩnh cho hay: Mình làm việc tại Công ty Long Sinh hơn 3 năm rồi, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Gia đình mình đã thoát nghèo, con cái được ăn học đầy đủ...

“Người đồng bào có lòng tự trọng rất cao, khi đã được tin tưởng thì họ làm việc rất có trách nhiệm, chăm chỉ, bền bỉ nên doanh nghiệp có thể tận dụng ưu điểm này mà tạo điều kiện cho người DTTS vào làm việc tại đơn vị mình ngày càng nhiều hơn”, ông Vương Vĩnh Hiệp Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Long Sinh Hiệp cho hay.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.