Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về nơi “Cổng trời Đông Giang”: Gặp những người tiên phong trên lĩnh vực kinh tế (Bài 2)

T.Nhân-H.Trường - 14:15, 03/07/2024

Để làm nên sự đổi thay ở Đông Giang hôm nay, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân địa phương đã thay đổi tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó, có rất nhiều người trở thành hạt nhân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả, vươn lên làm giàu và lan tỏa ý chí thoát nghèo đến cộng đồng dân cư ở địa phương.

Biến cây dại thành… đặc sản

Một ngày cuối tháng 6 ở xã Ba, cơn mưa nhẹ trút xuống giữa những đồi chè xanh mướt. Hơi ẩm của núi rừng hòa quyện với mùi thơm của cây chè nhẹ nhẹ, ngọt mát. Lúc chúng tôi đến, bà Đậu Thị Tuyên (56 tuổi) đang lật đật từ vườn chè trở về. Bà vội mang những nong chè đang phơi bên ngoài vào nhà. Bên hiên nhà, một chiếc máy chế biến chè đang hoạt động hết công suất, với hai ba người phụ liên tiếp cho những mớ chè tươi vào máy. Pha một ấm chè Ra zéh đậm vị mời khách, bà Tuyên đã kể rất nhiều câu chuyện về vùng đất, con người nơi đây. Đặc biệt là về những tháng ngày đầu gia đình bà khởi nghiệp với cây chè dây.

Mô hình chè dây đang phát triển mạnh ở Đông Giang, đem lại thu nhập cao cho người dân
Mô hình chè dây đang phát triển mạnh ở Đông Giang, đem lại thu nhập cao cho người dân

“Ra zéh là cách người Cơ Tu dùng để gọi cây chè dây. Trước đây, một số người ở ngoài Bắc về đây làm nương rẫy, đi mót vàng ở những bãi suốt có hái về để sử dụng. Vị chè chát, khi uống vào thì có vị ngọt ngọt sâu trong cổ họng. Vợ chồng tôi sau đó đã đào một ít mang về trồng thử ở diện tích đất vườn”, bà Tuyên kể.

Tiếp lời vợ, ông bà Tuyên, cho biết: Trong thời gian đem cây chè dây về trồng thì chỉ nghĩ là trồng chơi. Sau một thời gian chăm sóc, vườn chè ra lá xanh mướt mắt, ông bà liền cắt vào uống và cho một số bà con. Rồi bắt đầu có một số người hỏi mua nên ông quyết định mở rộng vườn chè từ ba sào đất ruộng. Từ sau năm thứ nhất, vườn chè bắt đầu phát triển ổn định, lá non và xanh rất nhiều. Kể từ năm thứ hai, vợ chồng bà thu mỗi năm hai đến ba vụ, khoảng hơn một tấn chè khô.

“Vụ đầu thường sản lượng ít hơn, đến vụ hai trong năm thì sản lượng ổn định. Nếu chăm tốt, mỗi năm có thể thu lên ba đến bốn vụ. Chè dây ngoài vị ngon ngọt, còn có tác dụng chữa bệnh dạ dày, đường ruột tất tốt. Từ vườn chè, vợ chồng tôi kiếm được khoảng 80 – 90 triệu đồng mỗi năm, chưa kể vườn cây ăn trái gồm mít thái, bưởi da xanh và vườn thanh long. Nhờ đó có của ăn, của để, và chăm lo cho con cái học hành thành tài”, bà Tuyên liệt kê về cây trồng và nguồn thu nhập của gia đình.

Vợ chồng bà Tuyên vươn lên phát triển kinh tế nhờ chè dây, cây ăn quả
Vợ chồng bà Tuyên vươn lên phát triển kinh tế nhờ chè dây, cây ăn quả

Thấy cách làm ăn của gia đình bà hiệu quả, nhiều hộ dân ở xã Ba cũng bắt đầu trồng chè dây để phát triển kinh tế. Đến nay, trên khắp vùng xã Ba, xã Tư bạt ngàn những vườn chè dây xanh ngát. Trong những năm gần đây, việc ra đời của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tư, với các sản phẩm chính từ chè dây đã góp phần trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Cùng với việc mở rộng sản xuất, thương hiệu chè dây Đông Giang được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, khơi dậy động lực làm giàu cho nhiều người.’

Thương hiệu chè dây được lan tỏa, đến nhiều hộ dân ở các xã của huyện Đông Giang, đến nay nhiều hộ đã và đang tiến hành chuyển đổi các thửa ruộng khó khăn về trồng hoa màu sang trồng chè Ra Zéh. Điển hình như hộ ông Trần Minh Quang (xã Ba), nhóm hộ ông Lâm Văn Thông (thôn Gadoong) có khoảng 1,8ha; hay nhóm hộ ông Phạm Quốc Phòng (thôn Pa nan, xã Tư) có tới 2ha...

Ông Phạm Kim Thông, Phó Chủ tịch xã Ba chia sẻ: Địa phương hiện nay có khoảng 10ha chè dây đang đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Từ cây dại, người dân đã biến thành đặc sản mang thương hiệu, đến nay góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Thu nhập cao từ những mô hình kinh tế mới

Là một trong những người đi đầu khi đưa sầu riêng về trồng trên miền đất sỏi Sông Kôn, đến nay, ông Nguyễn Văn Quý đang sở hữu hàng chục gốc sầu riêng phát triển tốt, đợi mùa thu hoạch. Bên cạnh sầu riêng, ông Quý còn trồng cây chuối lùn, cam sành và nhiều cây ăn trái khác. Dưới tán những vườn cây ăn quả, ông cho lập các trại gà với quy mô hàng trăm con.

Ông Quý cho biết: Nhận thấy cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư. Qua thời gian chăm sóc,  đến nay sầu riêng đã phát triển rất tốt, hứa hẹn mùa quả lớn. Với mô hình trồng cây ăn trái và chăn nuôi gà và lợn cỏ địa phương, gia đình ông đang có nguồn thu nhập khá ổn định. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng trồng sầu riêng, chuối và thêm một số cây ăn quả.

Cũng tại Sông Kôn, nói về gương điển hình vươn lên trong sản xuất, nhiều người nhắc đến bà Zơ Rân Thị Nho (thôn Pho). Nhờ tận dụng được nguồn vốn vay, bà đã thay đổi cách nghĩ, cách làm cũng chính trên mảnh đất cũ trồng hoa màu. Nhờ đó, gia đình bà đã có tên trong danh sách thoát nghèo năm 2022. Trước đây, gia đình bà chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng nhờ sự động viên của các cấp chính quyền, bà đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư chăn nuôi. Có lãi từ chăn nuôi, bà đầu tư thêm tiền để mở nhà máy xay xát lương thực…từ đó vươn lên làm giàu.

Thành công với mô hình nuôi hươu sao, nhiều hộ dân ở Đông Giang đã xây được nhà khang trang, vươn lên làm giàu
Thành công với mô hình nuôi hươu sao, nhiều hộ dân ở Đông Giang đã xây được nhà khang trang, vươn lên làm giàu

Theo bà Zơ Rân Thị Nho, trước đây thu nhập chủ yếu của gia đình phụ thuộc vào mấy hecta keo trồng trên đồi, thiếu trước hụt sau. Kể từ khi được cán bộ động viên, bà vay vốn chính sách được 60 triệu đồng, đầu tư chuồng trại để nuôi heo và bò sinh sản. Sau thời gian chăn nuôi, con lớn đẻ con bé, thu nhập của gia đình nhờ đó tăng dần lên. Ngoài ra, trên diện tích đất trồng keo, vợ chồng bà trồng thêm một số cây ăn trái, duy trì vườn keo, phát triển thêm cơ sở xay xát…để có thu nhập từ nhiều nguồn.

Tại xã Ba, hộ anh Alăng Ngơi được biết đến là một trong những hộ triển khai mô hình nuôi hươu sao đầu tiên. Trong những năm trước, gia đình anh nuôi trâu, bò để phục vụ công việc nương rẫy. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về mô hình nuôi hươu sao lấy nhung ở một số địa phương thành công, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để phát triển kinh tế bằng việc khởi nghiệp với 5 con hươu sao mua từ Hà Tĩnh.

Theo anh Ngơi, giai đoạn đầu thì thấy hơi khó nuôi, vì chưa quen. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn, hươu phát triển bình thường, bắt đầu cho nhung. Thức ăn của loài này cũng dễ kiếm, chủ yếu cỏ voi và lá cây. Tiền đầu tư chuồng thì vài chục triệu là đủ, giá trị kinh tế từ hươu sẽ cao hơn nhiều so với nuôi trâu, bò. 

"Với số lượng hươu hiện nay, mỗi năm gia đình kiếm được từ 50-60 triệu đồng mà không lo đầu ra. Hươu cái tiếp tục sinh sản, nên khả năng trong những năm tới, thu nhập sẽ cao hơn” anh Ngơi cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Sanh,Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Giang, cho biết: Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đã áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất, trong đó một số hộ đã dám nghĩ, dám thay đổi khi đưa vào sản xuất một số cây trồng, con vật nuôi mới và bước đầu đem lại hiệu quả. Điển hình như phát triển trồng chè dây ở xã Ba và xã Tư; chăn nuôi heo đen, dê, gà thả vườn ở xã A Rooi, A Ting; phát trển trồng cây ăn quả ở các xã Sông Kôn, xã Ba, thị trấn Prao…

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện và các cấp, ngành ở địa phương tiếp tục động viên người dân phát triển nhiều mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả cao. Trong đó, Hội sẽ tiếp tục phát động các phong trào về nông dân sản xuất giỏi từ chiều rộng đến chiều sâu, đồng thời lan tỏa những mô hình hay đến các hộ khác cùng phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo”, ông Sanh cho biết thêm./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.