Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Văn Quan (Lạng Sơn): Phát triển các mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị

Tuấn Trình - 16:24, 06/01/2022

“Việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên doanh, liên kết trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả kinh tế, được người dân đồng tình hưởng ứng, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”, bà Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan (Lạng Sơn) chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về kết quả từ chủ trương, định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn.

Các cây hoa màu được thực hiện tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khi gieo trồng
Các loại cây hoa màu được trồng tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khi gieo trồng

Thay đổi phương thức sản xuất

Trở lại huyện vùng núi Văn Quan (Lạng Sơn) trong những ngày cuối năm, chứng kiến những đổi thay đang lan tỏa khắp nơi trên vùng quê anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, dấu ấn nổi bật là cơ sở hạ tầng khá khang trang, điện, đường, trường, trạm được đầu tư ở các thôn, xóm hầu hết được xây dựng kiên cố. Đến nay, 100% đường đến trung tâm xã đã được bê tông hóa, tỷ lệ đường thôn được cứng hóa cũng đạt gần 60%.

Điện lưới được kéo về các thôn bản. Người dân có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các vùng lân cận để mở rộng sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao cuộc sống. Các công trình, dự án mới được Nhà nước đầu tư, như xây mới được nhiều đập thủy lợi, hệ thống kênh, mương nội đồng được cứng hóa để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế.

Bà Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan (Lạng Sơn) cho biết: Huyện Văn Quan có diện tích đất tự nhiên trên 55.000 ha, đất sản xuất nông nghiệp là trên 8.500 ha, còn lại là đất lâm nghiệp, đất rừng, đất sông suối, núi đá, chưa sử dụng. Để giúp người dân thay đổi phương thức canh tác truyền thống như trồng lúa, ngô theo mùa vụ, chủ yếu tự cung tự cấp trong gia đình, những năm gần đây, huyện đã tập trung rà soát quy hoạch phân vùng sản xuất hàng hóa cho từng vùng thổ nhưỡng phù hợp.

Bà Lương Mai Tú - Chủ tịch UBND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn
Bà Lương Mai Tú - Chủ tịch UBND huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn

Ban thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 40-NQ/HU về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện và tập trung tuyên truyền người dân trồng cây, con theo quy hoạch để phát triển các vùng hàng hóa tập trung, đồng thời áp dụng chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh nhằm thúc đẩy các mô hình hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Nhờ đó, bước đầu đã có một số mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, mở hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp của huyện Văn Quan.

Điển hình như mô hình sản xuất rau hữu cơ, rau trái vụ do Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Lạng Sơn, trụ sở tại thôn Lũng Cải, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan, đã thực hiện liên kết với các nhóm hộ và các HTX khác trên địa bàn huyện để trồng các loại rau màu giống mới có giá trị kinh tế cao.

Sản xuất theo phương châm mùa nào thức ấy, tập trung vào các loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao như súp lơ baby, bí nụ, cải kate, cà chua socola, dưa chuột bao tử, cải vụ Đông… tất cả các cây hoa màu do HTX cung cấp, được thực hiện tuân thủ theo quy trình kỹ thuật canh tác nông sản sạch, sản xuất hữu cơ. Sản phẩm của HTX bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khi gieo trồng chăm sóc thu hoạch cho đến khi đưa ra thị trường và đang tiến tới làm  theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiệu quả từ phát triển kinh tế đúng hướng

Với việc xác định hướng đi đúng và được người dân đồng tình ủng hộ cao, năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, thời tiết không thuận lợi, nhưng các sản phẩm đưa vào trồng thử nghiệm như: Bí nụ thu hoạch khoảng 14 tấn/giá thu mua của HTX với người dân là 30.000 đồng/kg. Súp lơ baby với sản lượng khoảng 22 tấn/giá thu mua ổn định là 10.000 đồng/kg; dưa chuột 50 tấn/giá thu mua ổn định từ 3.000 - 7.000 đồng/kg; dưa hấu khoảng 40 tấn/giá thu mua từ 6.000 - 9.000 đồng/kg...

Việc triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả, canh tác trên cùng một đơn vị diện tích, sản xuất 2 vụ bảo đảm thu nhập của người dân tăng gấp đôi, gấp ba so với sản xuất lúa, ngô thông thường (trồng 1 sào bí ăn nụ trong khoảng thời gian 2 tháng thu được 400 kg với giá bán 30.000 đồng/kg mang lại 12 triệu đồng).

Sản phẩm thử nghiệm ép dầu sở đầu tiên của Văn Quan đã thành công
Sản phẩm thử nghiệm ép dầu sở đầu tiên của Văn Quan đã thành công
Cùng với mô hình sản xuất rau, quả an toàn, huyện cũng đã tập trung thực hiện chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang phát triển vùng trồng lúa mới chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước tưới tiêu và thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Hiện huyện đã phát triển vùng trồng gạo Nhật và xây dựng thương hiệu gạo Nhật Jobanica do HTX Nông lâm thương mại tổng hợp Trấn Ninh triển khai trồng và bao tiêu sản phẩm. điều này đã giúp HTX này trở thành 1 trong 200 HTX của cả nước thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Bà Lương Mai Tú, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả vùng Hồi, với diện tích Hồi có giá trị vượt trội khoảng 15.000 ha, huyện cũng đã thành công trong việc xúc tiến vận động đầu tư vào dự án chế biến Hồi tại thị trấn Văn Quan với quy mô công suất chế biến là 5.000 tấn Hoa hồi khô/năm. Với hệ thống hạ tầng kỹ thuật có quy mô xây dựng chung có tổng diện tích là 8,2 ha, tổng mức đầu tư dự án trên 1.000 tỷ đồng, sản phẩm sản xuất là các tinh chất từ Hồi chủ yếu để xuất khẩu.

Ngoài ra, với vùng nguyên liệu Sở trên 1.000 ha, huyện cũng đã thành công hỗ trợ từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu cho HTX Văn Quan xanh đầu tư phân xưởng ép dầu Sở, bước đầu đã có sản phẩm và đang hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đưa sản phẩm ra thị trường.

Chủ tịch UBND huyện Văn Quan nhấn mạnh, những kết quả trên chỉ là kết quả bước đầu, nhưng là những tiền đề rất quan trọng cho thấy việc định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế tại một huyện nghèo, thuần nông như vậy là đúng hướng. Đây là cơ sở để huyện chỉ đạo và triển khai các mô hình hỗ trợ sản xuất trong giai đoạn tới tập trung và hiệu quả hơn, với mục tiêu đưa huyện Văn Quan giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% vào năm 2025, thoát khỏi huyện nghèo và thu nhập bình quân đầu người của huyện đến năm 2025 đạt 60 triệu đồng (gấp đôi so với năm 2020)./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.