Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và VSTBPN đã được các cấp ủy đảng, chính quyền Hà Giang quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần phát huy quyền làm chủ, bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, công tác đào tạo và quy hoạch tạo nguồn cán bộ nữ ngày càng được quan tâm, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước; nữ công chức, viên chức có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ tăng nhanh với 382 thạc sỹ, 14 tiến sỹ. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp hiện tại chiếm 22% trong tổng số 2.200 doanh nghiệp. Hằng năm, Hà Giang giải quyết việc làm mới cho 17.000 lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ đạt 49,5%.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Mặc dù Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực nhưng trong thời gian qua các cấp, ngành của tỉnh cũng đã dành nguồn lực, nỗ lực thực hiện VSTBPN với trách nhiệm cao nhất.
Tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện các chính sách có liên quan đến phụ nữ, như: Kế hoạch về thực hiện biện pháp bảo đảm bình đăng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020; Các chính sách chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ xóa mù chữ, xóa đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ phụ nữ cao tuổi, đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn ….
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác một số nội dung: Ủy ban Quốc gia VSTBCPN sớm ban hành Bộ tiêu chí thống kê về giới cấp tỉnh, huyện, xã; tăng kinh phí hỗ trợ, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và VSTBCPN. Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình do một số quy định có liên quan đến Pháp lệnh xử phạt vi phạm đã hết hiệu lực.
Đồng thời mong muốn, Đoàn công tác tiếp tục có sự chia sẻ, quan tâm có ý kiến với các bộ, ngành trung ương dành thêm nguồn lực để tỉnh triển khai, nhân rộng các mô hình VSTBPN trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT nghi nhận những kết quả trong thực hiện công tác bình đẳng giới, VSTBCPN của tỉnh Hà Giang trong những năm qua; Đồng thời mong muốn các cấp, ngành của tỉnh cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bài trừ các hủ tục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tư tưởng trọng nam khinh nữ…Quan tâm đến công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là bà con ở vùng nông thôn; cung cấp các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, xóa mù chữ, khởi nghiệp cho phụ nữ cần tiếp tục được tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn. Cùng với đó là tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Ban VSTBCPN trong công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác tiếp thu, tổng hợp báo cáo Ủy ban quốc gia VSTBCPN.