Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển bền vững

PV - 14:17, 30/07/2018

Bình đẳng giới ở Việt Nam đã dần trở thành nội dung xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều thành tựu nổi bật được quốc tế đánh giá và ghi nhận. Kết quả thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam thời gian qua, đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong phát triển bền vững, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn, hiệu quả hơn của cả hệ thống chính trị.

Ở nhiều quốc gia, phân biệt đối xử trên cơ sở giới vẫn còn tồn tại trong những quy phạm pháp luật và xã hội. Tháng 9 năm 2015, thế giới đã đề ra một chương trình hành động đầy tham vọng nhằm chấm dứt nghèo đói, đấu tranh với bất bình đẳng và thúc đẩy sự thịnh vượng, đồng thời, bảo vệ môi trường vào năm 2030.

17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được các nhà lãnh đạo thế giới chính thức thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, được tổ chức tại New York từ 25-27 tháng 9 năm 2015. Trong đó, bình đẳng và bình đẳng giới được đặt ra như một ưu tiên lớn của SDGs. Vấn đề giới được lồng ghép vào tất các các mục tiêu. Điển hình như mục tiêu số 5 gồm 9 chỉ tiêu như: Xóa bỏ các hình thức bạo lực và bóc lột với phụ nữ, trẻ em gái; đảm bảo tiếp cận phổ cập về sức khỏe tình dục và sinh sản; tăng cường các chính sách, pháp luật thực thi nhằm thúc đẩy bình đẳng giới…

Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới Trao quyền và đảm bảo công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái là mục tiêu hướng tới của Việt Nam trong chiến lược phát triển bền vững.

Các mục tiêu phát triển bền vững nhằm thay đổi tiến trình của thế kỷ 21 và giải quyết những thách thức chính như nghèo đói, bất bình đẳng và bạo lực đối với phụ nữ. Trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để đạt được điều này.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, song khi thực hiện SDGs, thế giới vẫn đối mặt với tồn tại, thách thức. Ở nhiều quốc gia, phân biệt đối xử trên cơ sở giới vẫn tồn tại trong xã hội và trong cả những quy định của pháp luật. Khoảng cách giới vẫn còn lớn trong cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, thu nhập. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội…

Đối với Việt Nam, chiếm hơn 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện SDGs. Tuy nhiên, phụ nữ chưa có bình đẳng thực chất, cụ thể như về thu nhập, tuổi nghỉ hưu, tỷ lệ phụ nữ tham chính; phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội như bạo lực gia đình, đói nghèo, thiên tai…

Nghiên cứu của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc (UN Women) cho thấy: Ở Việt Nam, mặc dù có trình độ ngang nhau, phụ nữ vẫn có thu nhập thấp hơn nam giới. Có nhiều phụ nữ làm các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương hơn nam giới; Đồng thời, họ cũng ít được tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội. Phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch địch chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.

Tại Việt Nam, cứ 10 phụ nữ từng kết hôn, thì có gần 6 người chịu một hình thức bạo lực. Hậu quả của bạo lực gia đình ước tính làm thất thoát 3,2% GDP của Việt Nam, trên cơ sở tính toán tổng thể năng suất lao động mất đi và chi phí cơ hội. Để giải quyết những vấn đề này, một mặt cần phải xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của kế hoạch hành động quốc gia; đồng thời xác định cơ chế để thực hiện và giám sát để thực hiện SDGs.

Phát biểu tại Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF-26 đầu năm 2018, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam-Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều hướng đến, và được coi là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp Việt Nam và Luật Bình đẳng giới đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết, với vai trò cung cấp các tư vấn kỹ thuật cho Chính phủ trong việc thực hiện SDGs, UN Women đã và sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm bảo trao quyền cho phụ nữ; đảm bảo cách tiếp cận toàn xã hội; xây dựng dữ liệu và bằng chứng cho việc theo dõi, báo cáo và trách nhiệm giải trình; cải thiện công bằng và sự tham gia của phụ nữ.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mục tiêu của kế hoạch nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền lợi cơ bản của con người mà là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hoà bình, thịnh vượng và bền vững. Do đó, cần thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả, phù hợp vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.