Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Ủy ban Dân tộc với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: Hoàn thiện chính sách để phát huy vai trò Người có uy tín (Bài 13)

Thúy Hồng - 18:32, 24/07/2023

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, các bộ, ngành, địa phương đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm phát huy vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Từ năm 2021, chính sách đối với Người có uy tín đã được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách cho Người có uy tín theo Quyết định số 12 đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho đội ngũ Người có uy tín, Ủy ban Dân tộc đã khẩn trương xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 12 để hoàn thiện chính sách trong tình hình mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà Người có uy tín thị xã Sa Pa
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tặng quà Người có uy tín thị xã Sa Pa

Những bất cập

Theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS thì đối tượng có thể được bình bầu là Người có uy tín khá rộng, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật hiện hành có quá trình công tác lâu năm, có cống hiến cho dân tộc, đất nước đã nghỉ công tác; già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ hoặc những người thường được đồng bào DTTS mời thực hiện các nghi lễ cầu cúng cho gia đình, dòng họ, bản làng; chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS...; nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, nhà giáo, người hành nghề chữa bệnh giỏi hoặc người có điều kiện kinh tế thường giúp đỡ và được đồng bào tín nhiệm.

Tuy nhiên, theo Quyết định 12, tiêu chí, điều kiện lựa chọn Người có uy tín có một số nội dung tiêu chí còn trùng lặp, không cần thiết, cần sắp xếp nhóm lại các tiêu chí cho phù hợp, logic để dễ thực hiện và thực sự lựa chọn được Người có uy tín.

Cụ thể như việc quy định: "Mỗi thôn thuộc vùng DTTS có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người DTTS được bình chọn 1 Người có uy tín" cũng như quy định: "… tổng số Người có uy tín được bình chọn không vượt quá tổng số thôn của vùng DTTS trên địa bàn tỉnh" vô hình chung đã hành chính hóa việc lựa chọn Người có uy tín và cũng chưa thực sự phù hợp với thực tế là các DTTS thường sinh sống đan xen nhau ở các thôn bản.

Đối với những Người có uy tín do lực lượng Công an, quốc phòng các cấp quản lý, thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng do chưa quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên phần lớn những Người có uy tín này chưa được hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với Người có uy tín còn bất cập, định mức chi thấp

Theo ông Lưu Xuân Thủy, Vụ trưởng Vụ DTTS (Ủy ban Dân tộc): Sau 5 năm triển khai, một số chế độ, chính sách đối với Người có uy tín đã bộc lộ nhiều bất cập, định mức chi thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nên chưa thực sự tạo động lực đối với Người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr tặng quà lưu niệm của UBDT cho Người có uy tín tỉnh Hòa Bình nhân dịp Đoàn đại biểu uy tín Hòa Bình đến thăm quan học tập tại Ủy ban Dân tộc
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr tặng quà lưu niệm của UBDT cho Người có uy tín tỉnh Hòa Bình nhân dịp Đoàn đại biểu uy tín Hòa Bình đến thăm quan học tập tại Ủy ban Dân tộc

Định mức hỗ trợ một lần, số lần thăm hỏi, hỗ trợ Người có uy tín trong Quyết định được xây dựng căn cứ vào mức chi từ năm 2013 là thấp và không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ông Cầm Bá Tường - Phó Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, chính sách ưu đãi cho Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS còn hạn chế. Chưa có chính sách hỗ trợ hoặc phụ cấp hằng tháng cho Người có uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì vậy trách nhiệm và sức lan tỏa của Người có uy tín chưa được phát huy một cách có hiệu quả.

Hoàn thiện chính sách

Để tháo gỡ những bất cập sau 5 năm triển khai, Ủy ban Dân tộc đã lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành địa phương và Nhân dân trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung thay thế Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Trên cơ sở góp ý của 13 bộ ngành và 35 địa phương và người dân, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định 12 với nhiều nội dung được xây dựng và soạn thảo phù hợp với việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới.

Theo ông Lưu Xuân Thủy - Vụ trưởng Vụ DTTS, dự thảo quyết định mới, việc triển khai thực hiện chính sách cho Người có uy tín sẽ được phân cấp thẩm quyền theo cơ sở. Các thủ tục hành chính tác động khá rõ trong tình hình mới. Các chế độ, chính sách so với chế độ cũ được điều chỉnh bổ sung phù hợp so với thực tế nhằm khuyến khích, động viên phát huy vai trò trách nhiệm Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.

Ví dụ như, điều kiện để lựa chọn Người có uy tín là mỗi thôn, bản, buôn, làng, phum, sóc, tổ dân phố và tương đương vùng DTTS có tỷ lệ số hộ DTTS trong tổng số hộ dân từ 15% trở lên được lựa chọn 1 Người có uy tín. Quy định về công nhận và đưa ra khỏi danh sách Người có uy tín được thực hiện 5 năm 1 lần.

Về chế độ, chính sách thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết hoặc ngày Lễ trọng của DTTS mức chi tối đa 2.000.000 đồng/người/năm. Ngoài ra, còn có các chế độ thăm hỏi, hỗ trợ Người có uy tín ốm đau; hỗ trợ Người có uy tín gặp khó khăn về kinh tế…

Đại biểu NCUT tỉnh Quảng Nam phát biểu, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc
Đại biểu Người có uy tín tỉnh Quảng Nam phát biểu, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc nhân dịp Đoàn đại biểu Người có uy tín đến thăm quan, học tập tại Ủy ban Dân tộc

Đặc biệt, Người có uy tín đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng; được đến thăm, làm việc tại các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Trung ương và địa phương.

Đối với chế độ cung cấp thông tin, định quý hằng quý hoặc đột xuất Người có uy tín được phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trong nước, vùng DTTS và kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện ở vùng DTTS và ở địa phương. Người có uy tín được đi thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

Trong dự thảo Quyết định mới cũng đề xuất, Người có uy tín sẽ được cung cấp thông tin truyền thông, trong đó có cấp phát Báo Dân tộc và Phát triển (Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc) để cập nhập các thông tin, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Người có uy tín Mùi Len, Bản Suối Giăng 2, xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết: Báo Dân tộc và Phát triển có nhiều thông tin rất phong phú, bổ ích giúp đội ngũ Người có uy tín kịp thời nắm bắt thông tin để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với bà con DTTS trong thôn, bản. Tờ báo có nhiều chuyện mục giúp cho đồng bào biết cách làm ăn, phát triển kinh tế. 

“Với vai trò Người có uy tín, thời gian tới tôi mong muốn tiếp tục nhận được Báo Dân tộc và Phát triển để có thể nắm bắt thông tin để tuyền truyền vận động bà con được hiệu quả hơn” Người có uy tín Mùi Len chia sẻ.

Xuất phát từ từ nhu cầu thực tế, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết, nhằm kịp thời khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với Người có uy tín và tiếp tục động viên, khích lệ những Người có uy tín phát huy vai trò tích cực của mình góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719;  cùng với đồng bào các dân tộc chung tay xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. 

Tin cùng chuyên mục
Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc với UBND huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận

Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc làm việc với UBND huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận

Ngày 23/9, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc (UBDT) do ông Hà Việt Quân - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng dự buổi làm việc, có đại diện một số Vụ, phòng, ban liên quan và lãnh đạo các xã, phường tại huyện Bác Ái.