Theo thống kê của ngành Giáo dục huyện Đồng Hỷ, trên địa bàn huyện hiện có 57 trường, gồm: 3 trường THPT, 16 trường THCS, 19 trường Tiểu học, 19 trường Mầm non, 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Trung tâm GDNN-GDTX), 15 trung tâm học tập cộng đồng.
Quy mô, mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến THCS tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với phân bố dân cư, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em người dân trên địa bàn huyện. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú phát triển và ngày càng hoàn thiện. Nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa có cơ sở vật chất tốt, cảnh quan đẹp, hoạt động giáo dục sôi nổi, chất lượng.
Ghi nhận tại điểm trường bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, năm học này, điểm trường có gần 200 học sinh người dân tộc Mông theo học ở bậc học mầm non và tiểu học. Trong đó, 100% học sinh đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. So với trước kia, điểm trường hiện nay không còn tạm bợ, dột nát, thay vào đó là các dãy nhà lớp học khang trang, các thiết bị dạy học hiện đại. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho học sinh người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn cũng đã được thực hiện, từ đó tăng tỷ lệ học sinh đến trường, chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.
Cô giáo Đỗ Thị Tình, giáo viên tại điểm trường bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Tôi nhận nhiệm vụ tại điểm trường từ năm 2016, đây là điểm trường nằm ở độ cao 1.200m so với mặt nước biển, cách trung tâm huyện Đồng Hỷ hơn 30km về phía Bắc, điểm trường vùng cao xa nhất của huyện Đồng Hỷ với tỷ lệ 100% bà con là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đến nay, không chỉ hạ tầng cơ bản được nâng cấp, điểm trường cũng được xây dựng khang trang với đầy đủ thiết bị dạy học, nhờ đó góp phần tạo thuận lợi cho cô và trò trong quá trình giảng dạy, học tập.
Đối với trường PT DTBT Tiểu học số 2 Văn Lăng, từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào DTTS, một nhà lớp học 2 tầng với 6 phòng học, nhà ở với 16 phòng và bếp ăn 1 chiều đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu ở bán trú của gần 120 học sinh.
Cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng, Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, chia sẻ: Học sinh ở các điểm trường lẻ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cha mẹ đi làm sớm tối. Do đó, việc chuyển đổi mô hình thành trường PTDTBT với đầy đủ cơ sở vật chất, các con được học tập trong môi trường mới khang trang, đủ đầy. Có những bạn nhà cách trường 5,6km, đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn, như: Em Lý Văn Hiếu, em Hầu Thị Mã, em Hầu Thị Pha… Trong năm học này, các con được xuống ở tại trường không phải đi về trong ngày và được ăn ở nội trú với các phòng ở gọn gàng, sạch sẽ và có môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt nhiều hơn. Hầu hết phụ huynh đều yên tâm, hài lòng, qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
Còn tại Trường Tiểu học Sa Lung, huyện Đồng Hỷ nếu như trước đây, tại điểm Trường Lân Quan, 100% người dân tộc Mông, chỉ có 5 phòng học tạm, không có phòng bộ môn thì nay đã có 5 phòng học khang trang, đảm bảo về diện tích, có thêm 3 phòng bộ môn, như: Tin học, tiếng Anh và Giáo dục nghệ thuật - Khoa học công nghệ, 1 phòng họp giáo viên. Điểm trường chính hiện có đủ 10 phòng học và 4 phòng bộ môn khang trang.
Cô Trịnh Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Lung, huyện Đồng Hỷ, cho biết: Những năm qua, Nhà trường cũng được ngành Giáo dục - Đào tạo quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị, như: Máy tính, máy chiếu, giường, tủ, bếp nấu..., đảm bảo chăm lo cho học sinh bán trú trong trường.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục quan tâm nâng cao cơ sở vật chất cũng như chất lượng giáo dục tại vùng khó, vùng DTTS, Phòng GD&ĐT cũng sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương rà soát tình hình thực tế, để triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kịp thời, đáp ứng đúng thực tiễn.
Đồng thời, UBND huyện Đồng Hỷ cũng sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư và được lồng ghép với các chương trình, dự án, xã hội hóa giáo dục. Cơ sở vật chất, trường, lớp học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa. Việc đầu tư gắn với Kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn và Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các trường học ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trường PTDT nội trú, bán trú.
Giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn huyện từ cấp học mầm non đến cấp học THCS với 86 danh mục công trình với tổng mức đầu tư là 258,665 tỷ đồng. Riêng năm học 2023-2024 huyện Đồng Hỷ dành trên 52 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Công tác xã hội hóa tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân đồng tình ủng hộ. Các cơ quan, đoàn thể, hội, các tổ chức và nhiều cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ các cơ sở giáo dục, vận động trẻ em trong độ tuổi ra lớp. Nhiều tổ chức, cá nhân tặng quà, tiền của, công sức xây dựng trường, lớp,... và một số trang thiết bị, như: Bàn ghế, máy vi tính, máy lọc nước, thiết bị bán trú…
Nhờ đó, tính đến hết năm học 2023-2024, toàn huyện có 52/52 trường công lập duy trì trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 34,6%, cụ thể: Cấp Mầm non có 17/17 trường đạt 100% (05/17 trường đạt chuẩn mức độ 2, đạt 29,41%). Cấp Tiểu học có 19/19 trường đạt 100% (04/19 trường đạt chuẩn mức độ 2, đạt 21%).
Cấp THCS có 16/16 trường đạt 100% (09/16 trường đạt chuẩn mức độ 2, đạt 56,25%). 100% các trường công lập đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và có đầy đủ hệ thống minh chứng theo quy định. Năm học 2023-2024, số trường được đánh giá ngoài và công nhận duy trì chuẩn quốc gia là 12 trường, gồm: 4 trường mầm non, 5 trường Tiểu học và 2 trường THCS.