Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới

Khánh Thi - 11:55, 16/12/2022

Công tác phòng vệ thương mại (PVTM) của Việt Nam trong thời gian qua, đã được đẩy mạnh cả về phạm vi, quy mô, mức độ và đạt được kết quả tích cực. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả thương mại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước trên 14,6 tỷ USD - đạt 88% kế hoạch năm. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước trên 14,6 tỷ USD - đạt 88% kế hoạch năm. (Ảnh minh họa)

Tránh tình trạng ‘tình ngay, lý gian”

Đối với các nước có trao đổi thương mại, xuất khẩu rất dễ có khả năng bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Là nước có nhiều mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam cũng đã, đang và sẽ đối diện với những biện pháp PVTM từ phía các quốc gia nhập khẩu.

Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), vụ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ một số nước, trong đó có Việt Nam từ tháng 5/2021, là một ví dụ. Cuối năm 2021, DOC công bố mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam nhập khẩu vào Hòa Kỳ là 412,49%.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính cả nước có trên 1,74 triệu đàn ong với 3,5 vạn lao động nuôi ong và 31 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong vào Hoa Kỳ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam bộ. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 60 ngàn tấn mật ong và nhiều sản phẩm khác từ ong (như sáp ong, keo ong), trong đó khoảng 90% được xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Trong quá trình điều tra vụ việc này, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành nhiều lần bày tỏ quan điểm, đề nghị DOC đánh giá khách quan, công bằng, tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). 

Đến tháng 4/2022, DOC đã có bản báo cáo chính thức, giảm mức thuế chống bán phá giá đối mật ong của Việt Nam giảm xuống gần 7 lần, trong biên độ 58,74 - 61,27%. Theo ông Trung, mức thuế này dù cao, nhưng cũng sẽ có lợi cho Việt Nam khi Hoa Kỳ có các đợt xem xét tiếp theo.

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân dẫn đến mức thuế cao bất hợp lý này, là do phương pháp tính toán của DOC khi sử dụng giá nhập khẩu mật ong thành phẩm từ mật hoa vào Ấn Độ để so sánh với giá mật ong thô từ dịch lá của Việt Nam xuất khẩu đi Hoa Kỳ.

 Giá xuất khẩu mật ong của Việt Nam cạnh tranh, là do lợi thế về cây nguồn mật từ rừng trồng, thời tiết mùa vụ cho phép thời gian thu hoạch lên đến 7-8 tháng/năm, giống ong và kỹ thuật tốt nên chất lượng đảm bảo.

Ông Tuấn cho biết, thời gian qua, ngành mật ong có đóng góp quan trọng để bảo vệ môi trường sinh thái và sinh kế của người nghèo. Sự thụ phấn của ong có khả năng, góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển đa dạng của các loài thực vật, giúp cải thiện chất lượng không khí và tăng khả năng phục hồi cây trồng sau khai thác.

Giá xuất khẩu mật ong của Việt Nam cạnh tranh là do lợi thế về cây nguồn mật từ rừng trồng, thời tiết mùa vụ cho phép thời gian thu hoạch lên đến 7-8 tháng/năm. (Trong ảnh: Mật ong bạc hà là sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Giang)
Giá xuất khẩu mật ong của Việt Nam cạnh tranh là do lợi thế về nguồn mật từ cây rừng trồng, thời tiết mùa vụ cho phép thời gian thu hoạch lên đến 7-8 tháng/năm. (Trong ảnh: Mật ong bạc hà là sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Giang)

Nếu DOC áp dụng thuế chống bán phá giá quá cao, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành mật ong của nước ta, tác động đến sinh kế của người nuôi ong gắn liền với tài nguyên rừng tại các vùng khó khăn. Điều này đi ngược với chủ trương và cam kết bảo vệ môi trường và công bằng xã hội toàn cầu, mà phía Hoa Kỳ và Việt Nam đã tích cực ủng hộ trong thời gian qua.

Bảo đảm môi trường thương mại công bằng

Sau vụ việc mật ong, hiện ngành gỗ của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc; đặc biệt Hoa Kỳ gần đây liên tục khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán cứng, sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm Việt Nam. Thông tin này được Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung đưa ra tại Toạ đàm với chủ đề: “Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam” diễn ra sáng 14/12/2022.

Kể từ đầu năm đến hết tháng 11/ 2022, các nước đã tiến hành 16 vụ việc điều tra PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc được hưởng mức thuế thấp, góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada.
Ông Chu Thắng Trung
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.

Ông Trung cho biết, đối với các nước có trao đổi thương mại, xuất khẩu rất dễ có khả năng bị áp dụng các biện pháp PVTM. Trong đó, ngành gỗ không bị loại trừ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp và các nước có ngành xuất khẩu gỗ, phải đặc biệt dành sự quan tâm.

Theo ông Trung, hiện nay biện pháp PVTM với ngành gỗ có 2 trường hợp. Đó là hành vi chủ động gian lận và hành vi bị mở rộng điều tra gian lận của nước nhập khẩu.

“Trong 2 trường hợp này, chúng ta cố gắng ngăn chặn trường hợp chủ động gian lận, khai báo sai trái. Còn đối với trường hợp bị mở rộng điều tra gian lận của nước nhập khẩu, chúng ta cần hỗ trợ doanh nghiệp để chứng minh rằng, hàm lượng giá trị gia tăng ở Việt Nam đủ lớn để không phải chịu các điều tra, áp thuế”, ông Trung cho biết.

Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, doanh nghiệp của chúng ta thường yếu về kiến thức luật pháp quốc tế, yếu ngoại ngữ, tin học nên rất ngại phải đương đầu với rắc rối. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã bỏ cuộc, hoặc khai báo không đầy đủ, không nhất quán dẫn đến trạng “tình ngay, lý gian”.

Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt sử dụng tiện ích, công nghệ số để minh bạch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Doanh nghiệp cần tiến tới áp dụng các phần mềm kế toán hiện đại, để khi có bất trắc sẽ có ngay các bằng chứng, hóa đơn, chứng từ chứng minh công việc làm ăn là minh bạch. Đây thực sự là một khâu cực kỳ quan trọng”, ông Hoài khuyến nghị.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới 3

Tại Hội thảo cung cấp thông tin về các vụ việc PVTM diễn ra ngày 16/12/2022, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung thông tin, trong năm 2022, công tác PVTM diễn ra trong bối cảnh tình hình thương mại khu vực và toàn cầu, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị giữa một số nước diễn biến phức tạp, kéo theo xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước tiếp tục duy trì. 

Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong nửa đầu năm 2022, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì cách biện pháp cách ly, giãn cách xã hội gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến trao đổi thương mại quốc tế…

Bối cảnh đó đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về PVTM. Cụ thể, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Hoạt động của một số ngành sản xuất trong nước có sự biến động dẫn đến việc cần xem xét khả năng sử dụng các biện pháp PVTM; gia tăng các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hàng hóa của Việt Nam.

Toạ đàm với chủ đề: “Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam” diễn ra sáng 14/12/2022.
Toạ đàm với chủ đề: “Phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam” diễn ra sáng 14/12/2022.

Theo ông Chu Thắng Trung, để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM, Bộ Công Thương đã nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật về PVTM; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền nâng cao nhận thức về lĩnh vực PVTM cho doanh nghiệp. 

Thời gian tới, công tác tuyên truyền tiếp tục được Bộ quan tâm đẩy mạnh, để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về các biện pháp PVTM, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.