Chị Nguyễn Cẩm Tú, người Dao, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Tú, đã thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao (CNC) khi chọn giống địa lan cao cấp làm cây mũi nhọn tại xã Thải Giảng Phố, huyện Bắc Hà (Lào Cai), với hơn 200 loài lan khác nhau nở hoa quanh năm. Thung lũng hoa Bắc Hà mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn chậu hoa lan, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Để có được thành công này, chị Tú đã áp dụng hệ thống nhà kính tự động, hệ thống tưới tiêu, công nghệ cấy mô trong nhà kính từ Hàn Quốc.
Theo Bộ KH&CN, trong 4 năm (2016 - 2019), Bộ đã phê duyệt và cho thực hiện trên 350 dự án, trong đó có gần 290 dự án do Trung ương quản lý và trên 60 dự án ủy quyền cho địa phương quản lý. Trong số đó, có gần 40% số dự án được thực hiện ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; trên 20% số dự án có mô hình liên kết ứng dụng KHCN theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân.
Có thể nói, các chương trình, dự án nông thôn, miền núi như “đòn bẩy” quan trọng, đã đóng góp tích cực trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thế nhưng, trên thực tế, hiện nay nông dân, đặc biệt là những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS tiếp cận và ứng dụng CNC trong nông nghiệp thành công như chị Tú còn ít. Mô hình sản xuất có hiệu quả chỉ là con số nhỏ, chưa hình thành được các mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân và chưa có chính sách đặc thù về ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS.
Hoạt động KHCN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, là nền tảng cho việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, trước bối cảnh thích ứng với các dịch bệnh, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Nguyên nhân khách quan là các vùng này mang tính chất đặc thù, điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, trình độ sản xuất và nhận thức của bà con còn ở mức thấp hơn nhiều so với các khu vực khác, trong khi đó nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, yêu cầu khắt khe về kỹ thuật.
Ông Chu Thúc Đạt, Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) cho biết, người sản xuất nói chung, nông dân nói riêng có những khó khăn nhất định khi tiếp cận với tiến bộ KH&CN như, họ chưa cập nhật quy trình công nghệ mới, giống nào mới, tốt có giá trị kinh tế cao hơn; hoặc không biết mua ở đâu? Hợp tác với ai? Ai bảo đảm chất lượng và thậm chí bao tiêu sản phẩm cho họ… Khi triển khai các mô hình, người dân thường rất khó thay đổi thói quen sản xuất cũ với việc tiếp nhận quy trình công nghệ mới.
Theo ông Đạt, áp dụng KHCN ở vùng DTTS cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp; xây dựng được những mô hình có tính khả thi cao, hướng đến giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương, như việc nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Điều này sẽ thúc đẩy tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế nông nghiệp của từng vùng.