Trong xu thế hội nhập hiện nay, KH&CN là một trong những yếu tố quan trọng, có tác động tích cực đến tăng trưởng, phát triển kinh tế nước ta. Theo đó, để không ngừng đổi mới, phát huy hiệu quả, Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng thành tựu về công nghệ sinh học, thông qua việc tuyển chọn, chuyển đổi, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình nuôi bò thịt cao sản F1 BBB theo hình thức chăn nuôi công nghiệp của tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Tất Thắng, thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh (huyện Yên Bình) cho biết, năm 2016 ông được giao 10 con bò thịt F1 BBB để nuôi thử nghiệm, độ tuổi từ 6 tháng tuổi, trọng lượng trung bình 159kg/con. Sau 2 năm triển khai thực hiện Dự án, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, trọng lượng bò F1 BBB thời điểm 18 tháng tuổi trung bình đạt 406kg/con, tăng trọng bình quân giai đoạn 12 - 18 tháng tuổi 589,6g/con/ngày.
Ông Vũ Xuân Hợi, Giám đốc Sở KH&CN Yên Bái cho biết, những năm gần đây, nhiều mô hình áp dụng khoa học - kỹ thuật phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cũng đã được người dân Yên Bái chú trọng đầu tư phát triển. Như mô hình trồng rau thủy canh tại thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo (TP. Yên Bái) của nữ doanh nhân Phạm Thúy Hảo áp dụng công nghệ Israel, đã cho ra đời các sản phẩm rau cao cấp, bảo đảm an toàn thực phẩm… Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng chuỗi giá trị cho sản xuất rau an toàn tại huyện Văn Yên” do Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên phối hợp với Hợp tác xã Thanh niên Q&C ở xã Đại Phác (Văn Yên)… đã đem lại những hiệu quả hết sức tích cực.
Giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh triển khai 112 đề tài, dự án khoa học, trong đó, có 56 đề tài, dự án phục vụ lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ trực tiếp nông dân về giống mới, vật tư, kỹ năng canh tác, nhân rộng mô hình sản xuất các giống lúa, rau màu, cây trồng, vật nuôi. Những dự án điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Chăn nuôi bò thịt cao sản F1 BBB; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhân giống sơn tra bằng phương pháp ghép cành tại huyện Trạm Tấu… đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trong thời gian tới, để hoạt động KH&CN tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho phát KT-XH, Yên Bái sẽ tập trung vào làm tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin KH&CN và vai trò của KH&CN đối với phát triển KT-XH. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đầu tư, cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN theo hướng lấy hiệu quả KT-XH làm mục tiêu. Đa dạng hóa các nguồn vốn cho hoạt động KH&CN để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là khối doanh nghiệp.