Chú trọng phát triển kinh tế xanh
Là tỉnh miền núi, Tuyên Quang có điều kiện sinh thái rất thuận lợi cho phát triển rừng, đặc biệt có đến 88% là lực lượng lao động làm việc liên quan đến sản xuất lâm nghiệp. Từ điều kiện tự nhiên, xã hội, đồng thời thực hiện có hiệu quả quyết sách của Chính phủ, tỉnh đã triển khai thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 và đạt được kết quả quan trọng.
Theo đó, bình quân mỗi năm, Tuyên Quang trồng mới trên 10.000ha rừng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 28.000ha rừng đạt chuẩn FSC (hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác); sản lượng gỗ khai thác hằng năm bình quân trên 880.000m3/năm. Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chặt chẽ như, không đốt thực bì, không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học... làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Rừng được cấp chứng chỉ FSC là “giấy thông hành” để đưa sản phẩm gỗ rừng trồng của tỉnh ra thế giới...
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất lâm nghiệp và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh được áp dụng rộng rãi. Các chương trình hỗ trợ cây giống chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật được thực hiện hằng năm nhằm tạo ra những bước tiến nhanh trong sản xuất. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ giống cây keo lai mô, keo hạt ngoại nhập để trồng trên 3.000ha rừng chất lượng cao cho các địa phương.
Một số điểm sáng về phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu chế biến nông, lâm sản góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là các huyện Hàm Yên, Yên Sơn. Phát triển rừng đã làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê nghèo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thủ phủ chế biến gỗ
Được đánh giá là “thủ phủ” rừng trồng chế biến gỗ, đây là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại Tuyên Quang. Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh (tháng 8/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tiềm năng lớn của Tuyên Quang là rừng trồng, tỉnh phải trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng của cả nước.
Năng suất rừng trồng sản xuất giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản lượng gỗ khai thác tại Tuyên Quang ước đạt 4.180.000m3, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 6,5%; cấp chứng chỉ rừng được 30.366ha, chiếm 13% tổng diện tích rừng sản xuất của tỉnh, tạo việc làm cho hơn 44.000 lao động tại địa phương.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 nhà máy chế biến lâm sản đã và đang đầu tư, mở rộng, nâng cao công suất chế biến như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa công suất 1.300.000m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang 680.000m3/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 25.000m3/năm… Các sản phẩm của một số công ty trên đã chinh phục được các thị trường EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp của tỉnh.
Ngành Lâm nghiệp có đóng góp quan trọng trong phát triển công nghiệp của tỉnh, trong đó công nghiệp chế biến lâm sản chiếm 27% tổng giá trị công nghiệp toàn tỉnh và chiếm 67% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Tuyên Quang đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035.
Cụ thể, Tuyên Quang đã đề ra mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể, phấn đấu đến năm 2035 đưa giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp tăng bình quân hơn 6,5%/năm; chiếm hơn 13,5% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; Đưa năng suất rừng trồng kinh doanh gỗ lớn đạt 170m3/ha/chu kỳ hơn 10 năm. Cấp chứng chỉ quản lý rừng cho hơn 75% diện tích rừng trồng sản xuất hiện có toàn tỉnh...