Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tuyển cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Giải pháp tình thế (Bài 2)

Sỹ Hào - 03:20, 03/04/2024

Việc bổ sung giáo viên để bảo đảm có đủ nhân lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở một số môn học, đang là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng liệu có trái quy định của luật; hay đây là giải pháp tình thế “đẽo chân cho vừa giày” để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên?

Tuyển trình độ cao đẳng để đủ giáo viên dạy phổ thông: Giải pháp tình thế (Bài 2)
Việc nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 là định hướng phấn đấu và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. (Trong ảnh: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có tỷ lệ đạt chuẩn của GV là 99,6%)

Nâng chuẩn là xu thế

Cách đây hơn 10 năm, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả về GD&ĐT, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân.

Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết số 29-NQ/TW chỉ rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp; trong đó có giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Đây cũng là yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đảng cách đây 20 năm, tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/62004.

Ngày 29/3/2024, Thường trực Chính phủ đã họp thảo luận dự thảo Đề án Tổng kết 10 năm (2013 – 2023) thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trong dự thảo, Bộ GD&ĐT đánh giá, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới còn gặp nhiều khó khăn; cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền.

Chủ trương của Đảng về đổi mới GD&ĐT từng bước được luật hóa, trong đó có việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên (GV). Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ của GV Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là có bằng đại học trở lên (Điểm b, Khoản 1, Điều 72). 

Trước đó, theo Luật Giáo dục 2005, GV bậc Tiểu học chỉ cần trình độ trung cấp sư phạm; GV bậc Trung học cơ sở chỉ cần trình độ cao đẳng; GV bậc Trung học phổ thông yêu cầu trình độ đại học.

“Việc nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, là định hướng phấn đấu và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng, GV đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW”, Bộ GD&ĐT khẳng định.

Triển khai Luật Giáo dục 2019, đồng thời để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới, ngành GD&ĐT đã tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng GV. Nhờ đó, đội ngũ GV trong cả nước không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng đã được nâng lên, từng bước đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, so với năm học 2018 – 2019 (năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới) thì năm học 2022 – 2023, đội ngũ GV đã tăng thêm 10.314 người. Năm học 2022 – 2023, trong 403.570 GV bậc Tiểu học của cả nước có 83,3% người đạt chuẩn trình độ đào tạo; bậc Trung học cơ sở có 90,3% trong tổng số 301.621 GV đạt chuẩn; bậc Trung học phổ thông có 99,9% trong tổng số 156.917 GV đạt chuẩn.

Tuyển trình độ cao đẳng để đủ giáo viên dạy phổ thông: Giải pháp tình thế (Bài 2) 1
Chương trình GDPT mới thay đổi từ truyền dạy kiến thức sang trang bị kỹ năng, phát triển toàn diện cho học sinh. (Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình được phân nhóm, nghiên cứu nội dung bài học)

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đã được triển khai; đồng thời ngân sách nhà nước cũng đã bố trí thực hiện các chính sách cho công tác tạo nguồn GV chất lượng (Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/0/2020 về chính sách hỗ trợ đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên người DTTS;...). 

Chỉ tính riêng thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền học phí; đồng thời được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Nhưng vẫn phải “hạ chuẩn”

Việc đổi mới GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, thí điểm bằng Chương trình GDPT mới đang gặp thách thức lớn do thiếu GV ở những bộ môn tích hợp và các bộ môn có tính đặc thù. Theo Bộ GD&ĐT, hiện các môn: Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng DTTS,... đang trong tình trạng “khan hiếm” GV trầm trọng.

Vì vậy, ở các địa phương, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều GV phải đảm nhận giảng dạy cùng lúc tại nhiều trường. Đơn cử trường hợp thầy Hoàng Minh Thành-GV dạy môn Tin học thuộc biên chế Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Châu Sơn (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn). Do huyện Đình Lập thiếu GV Tin học nên thầy Thành phải kiêm nhiệm bộ môn này cho Trường Tiểu học xã Châu Sơn và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học II xã Kiên Mộc.

Xác định việc bổ sung GV là yêu cầu cấp bách để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã đề xuất cơ chế cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học bậc Tiểu học và Trung học cơ sở. 

Nhưng đề xuất này lại trái quy định tại Luật Giáo dục 2019, đi ngược với xu thế chung về chuẩn trình độ đào tạo của GV trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Theo Bộ GD&ĐT, nếu thực hiện tuyển người có trình độ cao đẳng thì các địa phương sẽ bổ sung thêm được khoảng 10.000 GV cho các bộ môn mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Để nâng chuẩn trình độ cho đội ngũ này, trong 7 năm (2024 – 2030), ngân sách sẽ chi khoảng 400 tỷ đồng để hỗ trợ, do các địa phương bố trí nguồn.

Tuy nhiên, đề xuất của Bộ GD&ĐT cũng có cơ sở, cả về pháp lý lẫn thực tiễn. Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2022), Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 75/2022/QH15, trong đó có yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng GV dạy các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018. 

Hơn nữa, trên thực tế, sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, ngành GD&ĐT dôi dư khảng 12.165 GV trình độ cao đẳng ở bậc Trung học cơ sở, do không đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo.

Đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học bậc Tiểu học và Trung học cơ sở là không đúng quy định của Luật Giáo dục 2019, không thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT. Do vậy, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù này; hồ sơ dự thảo Nghị quyết đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, bắt đầu từ ngày 25/3/2024.

Bộ GD&ĐT khẳng định, việc tuyển người có trình độ cao đẳng sẽ giải quyết tình trạng thiếu GV một số bộ môn trong Chương trình GDPT mới hiện nay. Các GV này sau khi được tuyển dụng, sẽ tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định để đến năm 2030 bảo đảm đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Xét cho cùng, đây cũng vẫn là một giải pháp tình thế trước thực trạng thiếu GV ở một số bộ môn mới trong Chương trình GDPT 2018. Tuy không phải là “đẽo chân cho vừa giày”, nhưng việc “hạ chuẩn” trình độ để có đủ GV thực hiện Chương trình GDPT 2018 không hẳn là giải pháp căn cơ.

Tuyển trình độ cao đẳng để đủ giáo viên dạy phổ thông: Giải pháp tình thế (Bài 2) 2
Với lực lượng sinh viên các bộ môn mới đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học để phục vụ Chương trình GDPT 2018, sau khi ra trường sẽ bố trí như thế nào trong trường hợp các vị trí việc làm đã được “lấp đầy”? (Ảnh minh họa)

Quan trọng hơn, Bộ GD&ĐT phải tính đến chế độ, chính sách phù hợp cho lực lượng GV bổ sung theo đề xuất này. Đồng thời, với lực lượng sinh viên các bộ môn mới đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học để phục vụ Chương trình GDPT 2018, sau khi ra trường sẽ bố trí như thế nào trong trường hợp các vị trí việc làm đã được “lấp đầy”? 

Nếu không tính toán kỹ thì nguy cơ không có việc làm, kéo theo đó là lãng phí nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ sinh viên sư phạm, sinh viên người DTTS sẽ là vấn đề không riêng ngành GD&ĐT mà cả xã hội sẽ đối diện trong thời gian tới.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.