Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giáo viên vùng cao đối mặt nhiều khó khăn trong dạy học tích hợp

Tiêu Dao - 06:53, 29/03/2024

Dạy học tích hợp vẫn luôn là bài toán khó, nhất là đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa vì điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện chuyên môn và nhiều vấn đề liên quan khác.

Chồng chất nhiều khó khăn

Tích hợp liên môn là một điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và được áp dụng từ năm học 2021-2022, hướng tới giúp học sinh giảm tải, phát triển khả năng tổng hợp, phát huy được năng lực của học sinh trong việc lĩnh hội và vận dụng kiến thức vào cuộc sống hằng ngày. Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp Trung học cơ sở (THCS). Chương trình GDPT mới của bậc THCS có 2 môn tích hợp đáng quan tâm, là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và môn Lịch sử - Địa lý (tích hợp 2 môn Lịch sử, Địa lý). Tuy nhiên, khi triển khai các môn học tích hợp này lại bộc lộ những bất cập đối với nhà trường, giáo viên và học sinh ở cấp học này, đặc biệt là tại vùng DTTS, miền núi, vốn dĩ giáo dục khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Theo khảo sát của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Hiện nay, chỉ 4% giáo viên rất tự tin giảng dạy môn tích hợp do việc đào tạo này ở nhiều nơi mới dừng ở mức khai vỡ, còn đào tạo “thực chiến” vẫn hạn chế dẫn đến giáo viên gặp lúng túng khi triển khai. Ngược lại, có một số giáo viên sau khi được bồi dưỡng và tự rèn luyện tích cực, khi trở về trường lại không có điều kiện để giảng dạy trong thực tiễn vì các điều kiện khác nhau.

Việc bố trí giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học vẫn luôn là bài toán khó, nhất là đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa. Các khó khăn chủ yếu của các địa phương, cơ sở giáo dục là thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị và vật dụng thí nghiệm, lúng túng trong tổ chức thực hiện hoạt động, trong tổ chức kiểm tra đánh giá và khó khăn về kinh phí. Hiện tại ở nhiều địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa việc triển khai Chương trình tích hợp cũng gặp những khó khăn nhất định như: Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập khi các thầy, cô giáo trong trường đều là đơn môn, không có thầy, cô giáo nào được học đầy đủ tất cả các môn tích hợp, nhà trường phải phân công mỗi giáo viên đảm nhiệm 1 phần kiến thức trong môn tích hợp để đảm bảo truyền tải đến học sinh. Cơ cấu giáo viên không đồng đều giữa các phân môn để đảm bảo dạy đúng chuyên môn. Một số giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn tích hợp hoặc không được đào tạo đầy đủ, chưa đủ điều kiện, tự tin để dạy được các chủ đề trong chương trình môn học.

Tỷ lệ học sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên khả năng để học sinh tiếp thu được là rất khó.
Học sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa đang gặp khó khăn trong quá trình học tích hợp

Nguyên nhân khác nữa, đó là sách giáo khoa môn tích hợp vẫn được biên soạn theo những phân môn độc lập riêng biệt, không mang tính tích hợp về nội dung. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều thầy, cô giáo cùng dạy một quyển sách và cùng chấm một bài khi kiểm tra, phân chia thời khóa biểu. Giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thật sự hiệu quả. 

Thực tế trong những năm qua, nhiều trường học trên cả nước, trong đó có một số trường học thuộc vực miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn bố trí giáo viên dạy theo từng phân môn riêng lẻ. Bên cạnh các môn tích hợp, nhiều trường không có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học nên tất cả các giáo viên còn lại đều phải kiêm nhiệm thêm một trong các môn học này, dù không có chuyên môn. Nhiều trường đang phải điều giáo viên bố trí “2 trong 1”, “3 trong 1”, thậm chí nhiều hơn. Trong khi đó, với những lớp học, cấp học thấp hơn thì việc đảm bảo kiến thức nhiều giáo viên còn cố gắng nỗ lực, nhưng với những lớp học cao hơn như từ lớp 8 trở lên, điều này sẽ không hiệu quả vì chương trình nặng, đòi hỏi chuyên môn sâu.

Ngoài ra, với đặc thù là những trường miền núi, tỷ lệ học sinh người DTTS đông, nhiều trường còn thiếu giáo viên, các thầy cô hầu như phải thêm giờ, thêm tiết, soạn nhiều bài hơn, vất vả hơn. Cùng với đó, những khó khăn về sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ và kết nối Internet... cũng khiến các thầy, cô giáo gặp khó khăn khi làm chủ để có thể giảng dạy giúp học sinh theo kịp chương trình học tập. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao chất lượng là điều hết sức khó khăn. Số giáo viên có thể đảm đương dạy trọn vẹn môn tích hợp không nhiều khiến phụ huynh học sinh băn khoăn, lo lắng.

Gỡ khó cho môn tích hợp

Để việc dạy học tích hợp đem lại hiệu quả, các thầy cô giáo và học sinh trường miền núi đã và đang nỗ lực mỗi ngày khắc phục những khó khăn. Để gỡ khó trong dạy học môn tích hợp, các giáo viên đều nhận định rằng mỗi thầy cô giáo phải là người giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tinh thần của chương trình GDPT mới tới các em học sinh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động, tâm huyết của các trường, các thầy cô giáo trong việc cần thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy; bồi dưỡng năng lực thường xuyên, tìm tòi, nghiên cứu kiến thức.

Đồng thời, mỗi thầy cô giáo phải thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, phải nắm rõ chương trình, mục tiêu, chuẩn đầu ra của môn học. Các trường học vẫn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn cho giáo viên, để chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy môn tích hợp nhằm giúp các thầy cô và nhà trường tháo gỡ những khó khăn mà đơn vị mình gặp phải và có giải pháp nâng cao chất lượng cho môn học này.

Mỗi thầy cô giáo phải là người giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tinh thần của chương trình GDPT mới tới các em học sinh.
Mỗi thầy cô giáo phải là người giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tinh thần của chương trình GDPT mới tới các em học sinh.

Để gỡ khó cho việc triển khai các môn tích hợp, nhiều trường học cũng đã quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Do đó, nhiều trường đã xác định cụ thể lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng để có vốn tri thức rộng, khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức các môn học liên quan. Nhiều trường cũng đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán của cấp học, các môn học để tham gia bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới, đồng thời triển khai hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng tại địa phương. Các nhà trường đã tổ chức cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn tại trường hoặc theo cụm trường; chọn bài, tổ chức dạy thử rút kinh nghiệm; tổ chức xem băng hình để nắm rõ hơn về quy trình, cách thức tổ chức dạy học từng môn; bồi dưỡng về phương pháp dạy học, nghiên cứu bài học, chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác và sử dụng thành thạo học liệu điện tử. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đảm bảo đủ các bước: Xây dựng bài học minh họa; tổ chức dạy học minh họa và dự giờ; phân tích bài học; vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hằng ngày.

Tuy nhiên, để có thể dạy và học tốt chương trình mới vẫn cần có thời gian và lộ trình cụ thể để các nhà trường, giáo viên và học sinh cùng thích ứng.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.