Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tuyển cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Chật vật đổi mới vì thiếu giáo viên (Bài 1)

Sỹ Hào - 07:57, 02/04/2024

Sau hơn 5 năm triển khai, bên cạnh những kết quả tích cực, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã phát sinh nhiều vướng mắc, trong đó có tình trạng thiếu giáo viên. Để bù đắp sự thiếu hụt này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cơ chế cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học trong Chương trình GDPT 2018 bậc Tiểu học và Trung học cơ sở. Nhưng xung quanh đề xuất này vẫn còn nhiều vấn đề cần được bàn luận kỹ trước khi được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật.

Tuyển trình độ cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Chật vật đổi mới vì thiếu giáo viên (Bài 1)
Việc thiếu GV đã ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy, kéo giảm chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. (Trong ảnh: Một tiết học Ngoại ngữ có GV dự giờ ở Trường Tiểu học xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng)

Chương trình GDPT 2018 là bước đổi mới căn bản, toàn diện của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với nhiều môn học mới, yêu cầu mới. Nhưng sau hơn 5 năm thực hiện, việc đổi mới rất chật vật do thiếu giáo viên, dù đã được bổ sung thêm biên chế.

Thiếu trầm trọng

Theo dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT, đến cuối năm học 2022 – 2023, cả nước có 862.108 giáo viên (GV) phổ thông (gồm: 403.570 GV Tiểu học, 301.621 GV Trung học cơ sở, 156.917 GV Trung học phổ thông); tăng 10.314 GV so với năm học 2018 – 2019 (năm học đầu tiên áp dụng Chương trình GDPT mới).

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đánh giá, số lượng GV hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện đổi mới hoạt động dạy – học theo Chương trình GDPT 2018. Tình trạng thiếu GV diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các môn tích hợp ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở (Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên) và các môn học mang tính đặc thù (Công nghệ, tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng DTTS,...).

Theo thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 GV. Trong số đó, bậc Mầm non thiếu gần 52.000 GV, Tiểu học thiếu trên 33.000 GV, Trung học cơ sở thiếu hơn 19.300 GV, Trung học phổ thông thiếu gần 14.000 GV.

“Dự báo năm học 2024 – 2025, cấp Tiểu học còn thiếu 6.621 GV Tin học và 5.780 GV Ngoại ngữ; cấp Trung học cơ sở thiếu 11.598 GV môn Công nghệ, 2.366 GV môn Khoa học tự nhiên và 4.321 GV môn Nghệ thuật”, Bộ GD&ĐT cho biết.

Việc thiếu GV đã ảnh hưởng đến kế hoạch giảng dạy, kéo giảm chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đơn cử ở Trường Tiểu học xã Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) hiện chưa có GV Ngoại ngữ. Hết học kỳ I năm học 2023 – 2024, hơn 900 học sinh của trường chưa học môn Ngoại ngữ của năm học này.

“Nhà trường phải chờ đến khoảng tháng 4/2024, khi các trường ở huyện khác dạy xong chương trình, lúc ấy mới có GV vào hỗ trợ dạy môn Ngoại ngữ, trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa là học sinh nghỉ hè. Chương trình của cả một năm học chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, hơn nữa học sinh của trường chủ yếu là người DTTS, tiếp thu môn Ngoại ngữ còn chậm nên khó có thể bảo đảm chất lượng”, bà Bế Thị Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Quảng Lâm chia sẻ.

Để bố trí GV cho những môn học mới theo Chương trình GDPT 2018, hầu hết các địa phương miền núi buộc phải thực hiện điều động, biệt phái. Riêng hai huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc, từ năm học 2018 – 2019 đến nay, Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng đã phải biệt phái 38 GV từ TP. Cao Bằng và 03 huyện khác vào để tổ chức dạy học cho 100% học sinh lớp 3 của hai huyện này.

Tuyển trình độ cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Chật vật đổi mới vì thiếu giáo viên (Bài 1) 1
Ở các địa phương miền núi, cùng với Ngoại ngữ thì môn Tin học cũng thiếu GV. (Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái trong giờ học Tin học)

Tương tự, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, để đáp ứng yêu cầu mới, chương trình giảng dạy mới, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái phải biệt phái 24 GV từ TP. Yên Bái và các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Nghĩa Lộ về huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải để dạy môn tiếng Anh cho học sinh lớp 3 trong 01 năm. Còn tại Cà Mau, Sở GD&ĐT tỉnh đã luân chuyển GV liên trường trong đơn vị xã và điều GV Trung học cơ sở xuống dạy học sinh lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018...

Vì sao thiếu?

Chương trình GDPT 2018 là một bước cụ thể hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đây là chương trình được các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao về tính thực tiễn, khoa học; tuy nhiên, việc thiếu GV trầm trọng đã khiến việc thực hiện yêu cầu đổi mới rất chật vật, chẳng khác “đi cày” mà “thiếu trâu”.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu GV ở nhiều bộ môn khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân. Trong đó có: Việc bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng, điều chuyển GV, xây dựng đề án vị trí việc làm,... còn khó khăn; quy mô dân số hằng năm tăng, tăng dân số cơ học ở khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp; việc di dân tự do của đồng bào DTTS phía Bắc vào Tây Nguyên;...

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cho rằng, một trong những nguyên dẫn đến thiếu GV trầm trọng để thực hiện nhiều môn học mới là do thiếu nguồn tuyển dụng. Chương trình GDPT mới bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, nhưng công tác đào tạo cử nhân sư phạm các môn: Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, Âm nhạc, Mỹ thuật,... (thời gian đào tạo 04 năm) chưa kịp đáp ứng nguồn GV để tuyển dụng.

Thiếu nguồn tuyển dụng nên dù đã được giao thêm chỉ tiêu, ngành Giáo dục các địa phương vẫn loay hoay không tuyển đủ GV. Giai đoạn 2022 – 2026, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế GV; trong đó năm học 2022 – 2023 bổ sung 27.850 GV. Tuy nhiên, hết học kỳ I năm học 2022 – 2023, các địa phương mới tuyển dụng được 15.450 GV, đạt tỷ lệ 55,5%.

“Nếu không kịp thời tuyển dụng GV thì tiếp tục xảy ra tình trạng thừa/thiếu GV cục bộ, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, Bộ GD&ĐT nhận định.

Tuyển trình độ cao đẳng để đủ giáo viên dạy chương trình mới: Chật vật đổi mới vì thiếu giáo viên (Bài 1) 2
Tiếng DTTS là môn học tự chọn trong Chương trình GDPT năm 2018, nhưng hiện cũng đang thiếu GV. (Trong ảnh: Cô trò Trường THCS Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang trong giờ học tiếng Tày)

Để tháo “nút thắt” thiếu GV, Bộ GD&ĐT đang đề xuất cơ chế cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành GV, bảo đảm có đủ GV thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc Tiểu học và Trung học cơ sở ở một số môn học.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục 2019 quy định GV cấp Tiểu học, Trung học cơ sở phải có trình độ đại học trở lên. Vậy, đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng liệu có trái quy định của luật; hay đây là giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng thiếu GV theo hướng “đẽo chân cho vừa giày”?

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tình trạng thiếu GV khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là một nghịch lý bởi chương trình này giảm số môn học so với Chương trình GDPT năm 2006. Trong chương trình mới, ở cấp Tiểu học, lớp 1, lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có có 9 môn học; lớp 4, lớp 5 có 10 môn học. Trong Chương trình năm 2006 thì các lớp: 1, 2 và 3 có 10 môn học; lớp 4 và 5 có 11 môn học. Ở cấp Trung học cơ sở, Chương trình GDPT 2018 có 16 môn học cho tất cả các lớp. Còn trong Chương trình năm 2006, lớp 6 và 7 có 16 môn học; lớp 8 và 9 có 17 môn học. Ở cấp Trung học phổ thông, chương trình mới có 12 môn học cho tất cả các lớp; còn trong Chương trình năm 2006, lớp 10 và 11 có 16 môn học, lớp 12 có 17 môn học.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.