Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Từ vụ xô xát tại Thủy điện Mây Hồ: Còn bao nhiêu dự án… trong “nồi áp suất”?

Kẻ Sĩ - 19:53, 29/03/2022

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao bởi vụ xô xát tại dự án Thủy điện Mây Hồ trên địa phận thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Vụ việc khiến 14 người bị thương phải nhập viện.

Hiện trường vụ xô xát xảy ra tại dự án Thủy điện Mây Hồ
Hiện trường vụ xô xát xảy ra tại dự án Thủy điện Mây Hồ

Vụ việc xuất phát từ việc thi công đập đầu mối dự án Thủy điện Mây Hồ ảnh hưởng trực tiếp đến 3 trại cá hồi của 9 gia đình người DTTS hùn vốn làm chung. Chủ đầu tư công trình nhà máy thủy điện này là Công ty TNHH Năng lượng Mây Hồ, có trụ sở tại phường Kim Tân (Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Vì chưa thống nhất với chủ đầu tư về mức hỗ trợ, đền bù, các hộ dân đề nghị phía thủy điện dừng thi công đến khi thống nhất được phương án. Tuy nhiên, qua nhiều buổi làm việc, giữa hai bên và chính quyền địa phương, các bên không tìm được tiếng nói chung, nhất là giá trị đền bù.

Xin chưa bàn về góc độ pháp lý mà chỉ nhìn ở khía cạnh lẽ công bằng của vụ việc này!

Về phía nhóm hộ DTTS vốn sinh sống ở những điều kiện khó khăn, quá trình tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế. Do đó, việc người dân hùn vốn làm ăn và tìm được một mô hình kinh tế ổn định như trại nuôi cá hồi ở thôn Lủ Khẩu là rất khó và rất quý. Thế nhưng khi Nhà máy Thủy điện Mây Hồ được đặt phía trên trại nuôi cá hồi, thì sinh kế của họ có nguy cơ đứt gẫy. Người dân lo lắng về tương lai của mình là điều không tránh khỏi. Việc đòi hỏi đền bù thiết nghĩ là yêu cầu chính đáng.

Còn xét ở góc độ của doanh nghiệp. Việc xây dựng nhà máy thủy điện chắc chắn sẽ phải trải qua một quá trình xét duyệt thẩm định nghiêm ngặt. Họ cũng đã phải bỏ hàng trăm tỷ đầu tư cho dự án. Tất nhiên, việc mưu cầu lợi nhuận cũng là việc thiết thân cần được bảo đảm.

Nhìn ở góc độ này, thì việc doanh nghiệp và các hộ DTTS bị ảnh hưởng bởi dự án ngồi lại trao đổi về việc bồi thường như là một lẽ tất nhiên. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là hành lang pháp lý có lẽ còn có những khoảng trống, dẫn đến chưa điều hòa được các mối quan hệ khi mâu thuẫn bị đẩy lên cao. Do đó, khi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trên bàn đám phán, họ lại tìm đến một giải pháp cực đoan, là giải quyết bằng “bạo lực”. Khi điều đó xảy ra, cả hai đều thiệt hại. Có lẽ đây đều không phải là mong muốn của cả hai bên.

Không chỉ riêng dự án Thủy điện Mây Hồ, hiện nay rất nhiều dự án đã, đang và sẽ hiện diện ở vùng DTTS rất cần được xem xét, nhìn nhận một cách thấu đáo ở góc độ điều tiết lợi ích. Trên thực tiễn, môi trường pháp lý hiện nay vẫn còn những khoảng trống trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Việc thiếu minh bạch trong vấn đề này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bức xúc. Những dự án trong vùng DTTS dường như đang bị cho vào một “cái nồi áp suất”, nếu không được điều tiết kịp thời, rất có thể bị bung ra một cách đáng tiếc, giống như vụ xô xát tại Nhà máy Thủy điện Mây Hồ.

Từ sự việc đáng tiếc trên, về phía cơ quan quản lý nhà nước, nên chăng cần nhìn nhận lại vai trò của mình trong việc làm “trọng tài” điều tiết lợi ích một cách thỏa đáng. Sự điều tiết đó cần xét đến lợi ích của doanh nghiệp trước và sau khi triển khai dự án. Sự điều tiết cũng cần xuất phát từ lợi ích của người dân, nhất là các nhóm yếu thế như đồng bào DTTS. Lợi ích muốn nói ở đây không chỉ là tiền đền bù, mà còn là vấn đề bảo đảm sinh kế và môi trường sống trong tương lai. Chỉ khi nào chúng ta bảo đảm được lẽ công bằng, thì khi ấy các mâu thuẫn mới bị triệt tiêu một cách thực sự.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.