Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Hệ lụy từ phát triển "nóng" thủy điện vừa và nhỏ

Trọng Bảo - 08:45, 22/04/2021

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 70 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện đã và đang đem lại những hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.

Tỉnh lộ 152 bị sạt lở nghiêm trọng khi thủy điện Bản Hồ dâng nước
Tỉnh lộ 152 bị sạt lở nghiêm trọng khi thủy điện Bản Hồ dâng nước

Trước đây, xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lượng khách đến với Bản Hồ giảm đáng kể, bởi khung cảnh hoang sơ ở đây bị các nhà máy thủy điện phá nát.

Anh Lồ A Quỳnh, ở thôn Bản Dền, xã Bản Hồ, một trong những người tiên phong làm dịch vụ Homestay cho biết: Trước đây, du khách rất thích đến Bản Hồ để trải nghiệm, khám phá. Tuy nhiên, từ khi các nhà máy thủy điện xây dựng thì cảnh quan, môi trường không còn như trước; đồi núi bị san gạt nham nhở, nên du khách cũng thưa dần.

“Bây giờ thì hầu như không có khách về nữa, gia đình cũng vay mượn để xây dựng sửa sang phòng nghỉ, nhưng giờ không có khách, chẳng có nguồn thu nên cuộc sống rất khó khăn, cũng chưa biết xoay xở ra sao”, anh Quỳnh nói.

Đáng chú ý, vào tháng 2/2021, chỉ sau hơn 1 tuần Thủy điện Bản Hồ (xã Bản Hồ) dâng nước, tỉnh lộ 152 xuất hiện sụt lún nghiêm trọng. Nhiều hộ dân có đất sản xuất ở gần khu vực này cũng không dám đến canh tác nữa.

Ông Đào A Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho biết: Từ khi thủy điện dâng nước, các vết nứt bắt đầu xuất hiện, rồi các vết nứt ngày càng nhiều lan ra cả quả đồi bên cạnh, bà con ở đây không dám đi lại qua tuyến đường này nữa.

Ngành chức năng điều động máy móc, phương tiện khắc phục sạt lở bảo đảm an toàn cho người dân đi lại
Ngành chức năng điều động máy móc, phương tiện khắc phục sạt lở bảo đảm an toàn cho người dân đi lại

Không chỉ ở xã Bản Hồ của thị xã Sa Pa, mà một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đang chịu những hệ lụy từ khi các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đi vào hoạt động. Như ở huyện Bắc Hà, cuối tháng 3 vừa qua, khi thủy điện Nậm Lúc (do Công ty Cổ phần thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc làm chủ đầu tư) dâng nước, hàng trăm hộ dân ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu đứng ngồi không yên khi mà tuyến đường bê tông qua thôn có nguy cơ sạt trượt, đe doạ an toàn, tính mạng người dân.

“Từ khi dâng nước thì tuyến đường bị sạt, nhiều chỗ khoét sâu vào bên trong, nhiều chỗ thì bị nứt ngang mặt đường. Mặc dù biết nguy hiểm, nhưng hàng ngày bà con vẫn phải đi lại qua đây, vì đây là tuyến đường độc đạo, rất mong Nhà nước có kế hoạch sửa chữa để bảo đảm an toàn cho bà con”, anh Lù A Mùa, người dân thôn Kho Vàng cho biết.

Trước thực trạng sụt lún đường tại thôn Kho Vàng, UBND tỉnh Lào Cai đã có Văn bản số 1357/UBND-QLĐT chỉ đạo về việc sửa chữa, khắc phục tình trạng sạt lở đường giao thông Kho Lạt - Bản Vàng (đoạn qua thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà).

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công thương đôn đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc, khẩn trương thực hiện ngay việc sửa chữa tuyến đường Kho Lạt - Bản Vàng (đoạn qua địa phận thôn Kho Vàng), xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà để bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời, rà soát lại việc hoàn trả đường tránh ngập thủy điện.

Văn bản cũng nêu rõ, trường hợp Công ty Cổ phần Thủy điện Đông Nam Á Nậm Lúc chậm trễ thực hiện khắc phục, yêu cầu ngành chức năng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tạm dừng việc tích nước hồ thủy điện Nậm Lúc.

Việc chính quyền địa phương có động thái kiên quyết đối với những ảnh hưởng từ các nhà máy thủy điện đến công trình dân sinh, đời sống sản xuất của người dân là cần thiết. Tuy nhiên, đây mới chỉ giải quyết phần “ngọn” của vấn đề.

Bởi lẽ, thủy điện được cho là ngành mang lại siêu lợi nhuận, nhưng để có một nhà máy thủy điện đi vào hoạt động sẽ là nhiều diện tích rừng, đất đai sản xuất, công trình dân sinh… của người dân bị mất do thủy điện dâng nước. Vì vậy, thiết nghĩ địa phương cần rà soát, quy hoạch chi tiết trong phát triển các nhà máy thủy điện, trên tinh thần ưu tiên đời sống, sinh kế của bà con nhân dân trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.