Các bác sĩ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành các phác đồ điều trị tích cực, tuy nhiên bệnh nhân không qua khỏi.
Theo bệnh sử, sáng ngày 4/7, bệnh nhân uống khoảng 500 - 600ml nước sắc từ rễ cây phơi khô. Rễ cây này được bệnh nhân cho là rễ cây cóc, có công dụng chữa đau đầu, mất ngủ lâu năm, đào trong rừng. Sau khi uống 10 phút, bệnh nhân xuất hiện méo miệng, mệt lả, gọi hỏi vẫn đáp ứng.
Bệnh nhân được đưa đến Trạm Y tế xã, sau đó chuyển đến bệnh viện huyện. Trên quãng đường di chuyển, ý thức bệnh nhân giảm dần. Tại bệnh viện huyện, bệnh nhân được xử trí đặt ống nội khí quản, truyền dịch và chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh. Lúc này, bệnh nhân đã xuất hiện tím tái, ngừng tuần hoàn. Sau khi được xử trí cấp cứu khoảng 15 phút, bệnh nhân có mạch trở lại, tuy nhiên tình trạng ngừng tuần hoàn vẫn tiếp tục xảy ra sau đó.
Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, truỵ tim mạch.
Với các biểu hiện của ca bệnh, bác sĩ nghi bệnh nhân bị ngộ độc cây lá ngón. Các bác sĩ đã thu thập mẫu nước sắc từ rễ cây của bệnh nhân để làm xét nghiệm tại bệnh viện, đồng thời gửi mẫu tới Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.
Kết quả từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy trong mẫu nước sắc và cành rễ khô thái lát đều có chất độc nhóm koumine và gelsemine. Đây đều là các độc tố trong cây lá ngón.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cây lá ngón và cây rễ cóc có hình dạng giống nhau, rất dễ nhầm lẫn. Việc người dân đào một rễ cây trong rừng vốn có nhiều cây cối mọc đan xen nhau thì hoàn toàn có thể lấy nhầm rễ của một cây khác.
Độc tố chính của lá ngón là các độc tố thần kinh, gây liệt các cơ, giật cơ giống co giật, gây loạn nhịp tim. Sau khi ăn, uống lá ngón, độc tố hấp thu nhanh, tình trạng ngộ độc xuất hiện nhanh, chỉ trong khoảng 5-10 phút.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân không nên tự ý vào rừng đào rễ cây, hái lá rừng để sử dụng, rất dễ nhầm lẫn với cây lá ngón mọc trong rừng. Trong trường hợp bị bệnh, người dân nên đi khám tại các cơ sở y tế, nếu muốn dùng thuốc y học cổ truyền thì cũng cần khám trực tiếp tại các cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, đủ năng lực khám chữa bệnh, với các thầy thuốc, lang y có chứng chỉ, có đăng ký, được cấp phép hành nghề.
Tây y hay thuốc y học cổ truyền thì cũng phải luôn bắt buộc tuân thủ theo nguyên tắc về quản lý và sử dụng thuốc. Với người dân, không nên tự ý vào rừng đào rễ cây, hái lá rừng để sử dụng, rất dễ nhầm lẫn với cây lá ngón. Trong trường hợp người dân bị bệnh thì hãy đi khám tại các cơ sở y tế, các bệnh viện, nếu muốn dùng thuốc y học cổ truyền thì cũng phải khám trực tiếp tại các cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, đủ năng lực khám chữa bệnh, với các thầy thuốc, lang y có chứng chỉ, có đăng ký, được cấp phép hành nghề, tránh rước họa vào thân.