Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tu Mơ Rông (Kon Tum): Phấn đấu trở thành điểm đến du lịch mới mẻ, hấp dẫn và giàu bản sắc

Ngọc Chí - 18:16, 22/11/2024

Tu Mơ Rông (Kon Tum) là vùng đất có bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú. Những năm qua, với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) và các chương trình, dự án khác, huyện Tu Mơ Rông đã tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và hướng đến phát triển du lịch để tăng thu nhập cho đồng bào Xơ Đăng nơi đây.

Tu Mơ Rông là vùng đất có bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú
Tu Mơ Rông là vùng đất có bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú

Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc

Nằm ngay dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, vùng đất Tu Mơ Rông là nơi quần tụ của khoảng 28.200 người; trong đó, dân tộc Xơ Đăng chiếm trên 95%. Người Xơ Đăng đã sống trên mảnh đất này từ bao đời nay và có nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng và phong phú.

Nổi bật là nghệ thuật tạo hình dân gian với lối kiến trúc nhà rông tiêu biểu; các nghề truyền thống, như: đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, tạc tượng; các loại nhạc cụ truyền thống, như: cồng chiêng, đàn Tơ rưng, đàn Ting ning, đàn Klông Put và các làn điệu dân ca, dân vũ.

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng, những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã chủ động sưu tầm, quản lý và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, triển khai thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, huyện đã hỗ trợ hoạt động cho 06 đội văn nghệ truyền thống tại xã Đăk Hà, xã Tu Mơ Rông, xã Tê Xăng, xã Đăk Sao, xã Ngọk Lây, xã Đăk Na và hỗ trợ bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và hỗ trợ phát triển du lịch làng Pu Tá, xã Măng Ri.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Tu Mơ Rông đã hỗ trợ trang phục truyền thống của người Xơ Đăng cho đội cồng chiêng, xoang làng Lê Văng, xã Đăk Na
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Tu Mơ Rông đã hỗ trợ trang phục truyền thống của người Xơ Đăng cho đội cồng chiêng, xoang làng Lê Văng, xã Đăk Na

Ông A Liên – Làng Lê Văng, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Hiện nay, người dân trong làng còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng và vừa rồi huyện có hỗ trợ cho đội cồng chiêng, xoang của làng bộ trang phục truyền thống của người Xơ Đăng. Với sự quan tâm hỗ trợ của huyện, bà con rất phấn khởi, luôn quan tâm để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Nguyễn Bá Thành, Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trong những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, đã tổ chức phục dựng Lễ hội mừng lúa mới, Lễ làm cổng làng; mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, chế tác và kỹ năng diễn tấu nhạc cụ truyền thống; lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho thế hệ trẻ. Từ đó góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc tự bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, hiện nay, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông còn lưu giữ khoảng 206 bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: Đàn T’rưng, đàn Ting ning, đàn Klông pút…; 86/86 thôn có nhà rông, trong đó có 51 nhà rông sử dụng hoàn toàn vật liệu truyền thống; gìn giữ được 12 lễ hội tiêu biểu mang nét đặc sắc riêng của người Xơ Đăng và các làn điệu dân ca truyền thống; các nghề truyền thống như: đan lát, chế tác nhạc cụ, tạc tượng, nghề rèn, dệt thổ cẩm được duy trì và phát huy.

Nghề đan lát truyền thống được đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ
Nghề đan lát truyền thống được đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ

Chị Y HLạng - Làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, làng đã thành lập được Tổ dệt thổ cẩm với gần 30 chị em tham gia. Việc thành lập Tổ dệt thổ cẩm đã khôi phục nghề dệt truyền thống của đồng bào Xơ Đăng và đã bán hàng trăm sản phẩm áo, tấm vải, tấm võng, khố thổ cẩm ra thị trường. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giữ gìn, lưu truyền được nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho thế hệ mai sau.

Công tác bảo tồn, phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian qua, đã góp phần nâng cao ý thức tự bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng người Xơ Đăng nơi đây.

Hướng đến phát triển du lịch

Xác định phát triển du lịch là hướng đi vừa bảo tồn, gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, tôn vinh cảnh quan đẹp vừa góp phần thay đổi diện mạo ở từng thôn, làng và nâng cao đời sống người dân, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến du lịch mới mẻ, hấp dẫn và giàu bản sắc.

Điển hình như làng Lê Văng, xã Đăk Na đã được huyện quan tâm đầu tư để phát triển du lịch cộng đồng. Đây là một trong những ngôi làng còn lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Xơ Đăng nằm ven bờ sông Đăk Na, cách điểm du lịch thác Siu Puông khoảng 3km, cùng với những giá trị đặc sắc về thiên nhiên, văn hóa truyền thống tạo nên điểm nhấn về du lịch của xã Đăk Na thu hút du khách đến trải nghiệm trong những năm qua.

Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, huyện Tu Mơ Rông đang định hướng xây dựng nhiều Điểm du lịch cộng đồng ở các làng đồng bào Xơ Đăng
Với những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, huyện Tu Mơ Rông đang định hướng xây dựng nhiều Điểm du lịch cộng đồng ở các làng đồng bào Xơ Đăng

Ông A Dum, làng Lê Văng, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Việc huyện chọn làng làm Điểm du lịch cộng đồng bà con rất phấn khởi, ngoài việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống thì bà con đang chỉnh trang lại đường làng xanh – sạch – đẹp và giữ gìn lối canh tác ruộng lúa bậc thang truyền thống để phục vụ du khách. Bà con trong làng cũng mong muốn sẽ có thêm nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch.

Ông A Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Việc xây dựng Làng du lịch cộng đồng Lê Văng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch ở xã Đăk Na nói riêng và huyện Tu Mơ Rông nói chung. Việc đầu tư này rất cần thiết, hình thành điểm thăm quan du lịch hoàn thiện đáp ứng các yêu cầu phục vụ và hấp dẫn khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Huyện Tu Mơ Rông cũng thường xuyên khảo sát, đánh giá tiềm năng tại một số điểm du lịch; đồng thời, chỉ đạo UBND các xã đưa các điểm du lịch vào quy hoạch nông thôn mới của xã để thực hiện phát triển du lịch, phục vụ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm truyền thống đáp ứng việc phát triển du lịch trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đã xây dựng hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận các điểm du lịch như: Điểm du lịch cộng đồng làng Pu Tá, xã Măng Ri; điểm du lịch cộng đồng làng Lê Văng, xã Đăk Na; điểm du lịch cộng đồng làng Tu Thó, xã Tê Xăng; điểm du lịch Khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Măng Ri; điểm du lịch thác Siu Puông, xã Đăk Na…

Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều thác nước hùng vĩ và văn hóa đặc sắc là lợi thể để huyện Tu Mơ Rông phấn đấu trở thành điểm đến du lịch mới mẻ, hấp dẫn và giàu bản sắc
Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều thác nước hùng vĩ và văn hóa đặc sắc là lợi thể để huyện Tu Mơ Rông phấn đấu trở thành điểm đến du lịch mới mẻ, hấp dẫn và giàu bản sắc

Ông Nguyễn Bá Thành – Trưởng Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về cảnh quan đẹp, hoang sơ, có nhiều loại dược liệu quý, có các di tích lịch sử cách mạng và đồng bào Xơ Đăng còn lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu, huyện Tu Mơ Rông đã xác định tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu, du lịch văn hóa lịch sử.

Để tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch, hằng năm huyện Tu Mơ Rông tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; quảng bá, mời gọi, thu hút đầu tư và tạo các điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp vào khảo sát, thực hiện các dự án đầu tư khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn.

Với nhiều giải pháp được triển khai, huyện Tu Mơ Rông từng bước khai thác được các tiềm năng, lợi thế. Các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu, du lịch văn hóa - lịch sử đã dần được định hình.

Các loại hình du lịch, các điểm đến của Tu Mơ Rông bước đầu đã tạo được ấn tượng, thu hút du khách và qua đó góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn huyện. 

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.