Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Lê Hường - 08:17, 22/11/2024

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.

Học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar vận dụng nét đẹp văn hóa truyền thống vào quá trình học
Học sinh Trường Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar cùng trao đổi, vận dụng nét đẹp văn hóa truyền thống vào quá trình học

Ươm mầm tri thức

Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng ở thành phố Buôn Ma Thuột, là một trong những trường chuyên biệt của tỉnh Đắk Lắk, được triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ăn, ở, đi lại cho học sinh DTTS. Năm học 2024-2025, nhà trường có 18 lớp với 554 học sinh của 21 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Khẳng định vai trò, vị thế là đơn vị giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh DTTS, Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên từng năm, điển hình như năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT đạt 100%, nhiều môn thi tốt nghiệp có điểm số đứng thứ hạng cao trong top 5 của tỉnh, nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. 

Không chỉ chú trọng nâng cáo chất lượng giáo dục, nhà trường còn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Nhiều năm qua, Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng mời các nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho học sinh dân tộc tại chỗ.

 Đến nay, nhà trường đã thành lập được 2 đội chiêng và được hỗ trợ 2 bộ chiêng đồng, 2 bộ chiêng tre, gần 100 bộ trang phục truyền thống để các thành viên đội chiêng duy trì việc luyện tập các bài chiêng. Nhà trường cũng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng và tham gia biểu diễn ở nhiều chương trình, sân chơi văn hóa nghệ thuật dành cho học sinh.

Ông Bùi Xuân Lễ, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng chia sẻ: Nhiệm vụ trọng tâm của trường, là nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập. Đặc biệt, nhà trường chú trọng và tìm giải pháp hiệu quả cho giáo dục chuyên biệt đối với trường dân tộc nội trú. Cùng với đó, quan tâm giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. 

Năm học 2024-2025, nhà trường đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, phát huy tỷ lệ giáo dục về mặt học lực, hạnh kiểm của học sinh đạt và vượt so với năm học trước. Đặc biệt đối với học sinh khối 12, giữ vững và củng cố tỷ lệ đạt kết quả tốt nghiệp 100%.

Học sinh Trường THPT dân tộc nội trú khang giảng năm học 2024-2025
Học sinh Trường THPT dân tộc nội trú trong ngày Khai giảng năm học 2024-2025

Quan tâm phát huy năng lực, sở trường của học sinh, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar, huyện Cư M’gar thường tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh. Từ đó, phát huy tinh thần sáng tạo trong học tập và giúp học sinh có điều kiện nghiên cứu, hiểu thêm về nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa dân tộc. 

Trong năm học 2023-2024, Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar có 2 sản phẩm khoa học đạt giải Nhất và giải Nhì cấp huyện. Dự án “Bảo tồn quảng bá bản sắc dân tộc Ê Đê thông qua bộ truyện tranh song ngữ tiếng Việt - tiếng Ê Đêcủa nhóm học sinh trong trường đạt giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi khoa học kỹ thuật khởi nghiệp dành cho học sinh trung học được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức tháng 1/2024.

Cô Vương Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar cho biết: Trường hiện có hơn 150 học sinh của hơn 10 dân tộc trên địa bàn huyện. Trong đó học sinh dân tộc Ê Đê chiếm 70%. Ngoài thực hiện nhiệm vụ giáo dục như các trường THCS khác, thì việc bảo tồn phát huy văn hoá DTTS được trường được chú trọng. 

Nhà trường đã thành lập câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc và truyền dạy chơi các loại nhạc cụ dân tộc cho học sinh. Bên cạnh đó, hàng tuần nhà trường tổ chức 1 hoạt động sinh hoạt dưới cờ để giúp các em học sinh có ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Đầu tư nguồn lực vùng DTTS

Theo báo cáo, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 1.013 trường mầm non đến THPT, trong đó có 15 trường PTDT nội trú THCS cấp huyện, 2 trường PTDT nội trú THPT cấp tỉnh và 6 trường PTDT bán trú ở cấp huyện.

Hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú đang tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập đầy đủ, khang trang
Hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú đang tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập đầy đủ, khang trang

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, ngân sách nhà nước đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng cho 18 trường phổ thông dân tộc nội trú, trường PTDT bán trú trên địa bàn tỉnh, để đầu tư cơ sở hạ tầng mua sắm trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết:  Những năm qua, giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Bộ giáo dục và Đào tạo, các cấp chính quyền thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất. 

Hệ thống PTDT nội trú và bán trú đang cải thiện đáng kể chất lượng giáo dục toàn diện, khẳng định được vai trò trong việc duy trì; nâng cao chất lượng giáo dục bền vững ở vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, còn đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, linh linh hoạt các chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện học tập của người học, gắn với đặc điểm văn hóa của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.