Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Trường PTDTNT Bình Thuận: Nơi tạo nguồn trí thức, cán bộ vùng DTTS

Hà Thanh Tú - 14:34, 11/11/2023

Tại các xã vùng đồng bào DTTS trong tỉnh Bình Thuận, hầu hết Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã, cán bộ các ban ngành đều là cựu học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận (PTDTNT). Thời điểm này, Trường PTDTNT Bình Thuận đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Trường (18/11/1993-18/11/2023).

Trường PTDTNT Bình Thuận là nơi tạo nguồn nhiều trí thức, cán bộ vùng DTTS
Trường PTDTNT Bình Thuận là nơi tạo nguồn nhiều trí thức, cán bộ vùng DTTS

Gian nan dạy và học

Trường PTDTNT Bình Thuận khai giảng niên học đầu tiên vào ngày 18/11/1993, với 303 em học sinh là con em vùng đồng bào DTTS, từ cấp tiểu học đến trung học. Những năm sau này, trường được giao tiếp nhận một lượng học sinh huyện đảo Phú Quý và học sinh của 3 trường DTNT huyện chuyển lên. Từ năm học 2002 - 2003 đến năm 2006 - 2007, ngoài nhiệm vụ dạy văn hóa, Trường còn nhận thêm nhiệm vụ đào tạo nguồn cán bộ dân tộc với số bình quân tuyển sinh đầu vào ở 3 năm đầu cấp III là 125 học sinh/năm. Đến nay, sau 30 năm thành lập, Trường PT DTNT Bình Thuận có 27 lớp với 891 học sinh. Lượng học sinh tăng 3 lần và thành phần các DTTS trong học sinh cũng tăng lên so với năm học đầu tiên.

Khi đề cập đến chuyện dạy và học tại Trường PT DTNT Bình Thuận, thầy Lương Đào Quốc Dũng, Hiệu trưởng nhà trường đã lưu ý về một số điểm khác biệt giữa học sinh trường và đa số học sinh trong tỉnh. Điểm khác biệt đầu tiên đó là nếp sống - tâm lý, điều kiện xã hội vùng miền núi, vùng cao, làm cho học sinh DTTS trong một thời gian ngắn không dễ hòa đồng với nếp sống - tâm lý đời sống - xã hội ở vùng xuôi. Cụ thể, các em quen với đời sống phóng khoáng, gần gũi thiên nhiên, ít bị ràng buộc, nay vào trường buộc phải tuân theo các kỷ luật học tập, nề nếp sinh hoạt của tập thể là điều không dễ dàng.

Học sinh Trường PTDTNT Bình Thuận
Học sinh Trường PTDTNT Bình Thuận

Thứ hai, mặt bằng kiến thức học sinh DTTS, nhất là học sinh vùng đặc biệt khó khăn có sự chênh lệch so với học sinh vùng xuôi. Sự không đồng đều, chênh lệch về mặt bằng kiến thức và không dễ hoà đồng trở thành nỗi quan ngại đối với nhiều thầy cô giáo, đòi hỏi phải có bước đi, cách thức tiếp cận học sinh một cách đặc biệt. “Thầy, cô phải dành thời gian tiếp xúc, gần gũi, lắng nghe tâm tư học sinh…, động viên, khuyên bảo cho đến khi các em quen môi trường mới. Tiếp theo là dạy như thế nào để học sinh tiếp thu, chịu học, thầy cô cũng phải tính tới”, thầy Dũng phân tích.

Đâu chỉ thế! Mùa dịch Covid 2021, học sinh không đến trường, phải học trực tuyến, việc đi lại bị ngăn trở. Vì trách nhiệm với học sinh, nhà trường đóng gói hàng trăm sách giáo khoa, vở và tài liệu học tập, mượn xe, chở đến tận nơi học sinh cư trú để các em có tài liệu học Online. Với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Đoàn trường vận động các nhà hảo tâm, cựu học sinh, đóng góp mua 30 máy điện thoại, giúp số em này có máy học online. Tuy mùa dịch nhưng nhà trường cũng đã sắp xếp đến tận từng địa phương để phát học bổng cho hơn 800 học sinh toàn trường.

Từ đặc thù học sinh ở nội trú tại trường nên những năm sau này, trường tổ chức học tập theo 3 khung thời gian: Sáng học tại lớp, chiều học theo thời khóa biểu hoặc tự học tại lớp, có sự hỗ trợ của thầy cô và buổi tối là thời gian tự học tại lớp từ 7h30 đến 9h30. Cách thức học này giúp các em tiếp thu bài, không cảm thấy hụt hẫng, “rớt ” lại so với cả lớp, hiệu quả rõ rệt, nhất là vào kỳ kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ và ôn thi tốt nghiệp THPT. Ở ngôi trường này, học sinh lớp 12, sau khi kết thúc chương trình vẫn được thầy cô ôn luyện kiến thức trong 8 tuần và 2 tuần các em được thầy cô hướng dẫn tự học cả ngày và đêm đến sát ngày thi, nhờ vậy các em thêm vững vàng thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thông Thị Mỹ Dung (người thứ hai từ trái sang phải), cựu học sinh của Trường DTNT Bình Thuận niên học 1999-2022. Nay là Tổ trưởng chuyên môn của Trường THPT Huỳnh Thúc kháng- Bình Thuận.
Thông Thị Mỹ Dung (người thứ hai từ trái sang phải), cựu học sinh của Trường DTNT Bình Thuận niên học 1999-2022. Nay là Tổ trưởng chuyên môn của Trường THPT Huỳnh Thúc kháng- Bình Thuận.

Ở ngôi trường này có rất nhiều câu chuyện sinh động về tình thầy cô với học sinh của mình. Đơn cử, trường hợp em Bờ Đam Nức, dân tộc Cơ Ho, học lớp 12.1 - năm học 2022-2023. Em rất cá tính lại có ý định bỏ học nên từ đầu năm 12, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm rất phiền lòng. Giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần gặp riêng để nói chuyện nhưng em ít chuyển biến. Trước tình hình đó, Ban Giám hiệu đã vào cuộc. Cô Lưu Thị Mỹ Dung, Phó hiệu trưởng nhà trường đã nhận nhiệm vụ để giúp đỡ em. Cô giáo đã áp dụng nhiều biện pháp để em từ bỏ ý định bỏ học: Từ tỉ tê tâm sự đến khuyên nhủ, từ việc lặn lội xuống ký túc xá để kêu em lên lớp học đến việc xin số điện thoại của bạn bè thân liên hệ với em khi thấy em không có mặt trong giờ học. Hầu như ngày nào, cô cũng gọi điện hoặc nhắn tin để nhắc nhở. Từ sự sát sao của cô giáo, em Bờ Đam Nức đã chăm ngoan hơn, nỗ lực học tập và đỗ tốt nghiệp THPT. Khi biết tin mình đỗ tốt nghiệp, Nức gọi điện cho cô Hiệu phó, nghẹn ngào: “Em cảm ơn cô rất nhiều! Không có cô, em rớt rồi! Em rất cảm ơn thầy cô ở trường mình!”.

Nhân lực cho các xã miền núi

Tính đến niên học 2023-2024, Trường PT DTNT Bình Thuận có tổng số hơn 10.500 học sinh, trong đó 245 học sinh đảo Phú Quý theo học trong 30 năm. Từ 1996 đến 2012, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đều đạt mức bình quân của tỉnh. Từ 2013 đến 2023, 9 năm liên tục, tỷ lệ tốt nghiệp của trường nằm ở tốp cao, trên bình quân chung của tỉnh, nhiều năm đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Rất nhiều học sinh thi đỗ các trường Đại học: Y khoa Tây Nguyên, Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quân sự… Mỗi năm có khoảng 10 em vào học Trường Dự bị Đại học TP. Hồ Chí Minh. Năm học 2022 - 2023, Trường kết nạp Đảng cho 2 học sinh giỏi là: Nguyễn Tiến Sang, ngụ tại xã Phan Tiến và Đồng Tạ Quế Chi xã Phan Lâm. Cả hai học sinh này sau đó đều vào 2 trường Đại học.

Các bạn đoàn viên, thanh niên Trường PTDTNT tỉnh Bình Thuận tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10)
Các bạn đoàn viên, thanh niên Trường PTDTNT tỉnh Bình Thuận tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10)

Với sự nhiệt tình, yêu thương và trách nhiệm, Trường PT DTNT Bình Thuận đã tạo nên nền tảng tốt đẹp mà nhiều thế hệ “cha trước con sau” thi vào trường. Điển hình như trường hợp K’ Văn Kim vào Trường năm 1993, khi trường còn nhận học sinh tiểu học. Kim thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2003, rồi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 2. Kim hiện là Thiếu tá quân đội. Con gái của Kim là K’Chiusa Mina cũng vào học tại Trường PT DTNT Bình Thuận niên học 2022-2023. Cháu của Kim là K’ Văn Sang trước đó cũng học tại Trường PTDTNT, hiện đang theo học Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Thầy Lâm Hùng Chiến, Hiệu trưởng PT DTNT Bình Thuận từ năm 1992-2012, cho hay: “Ở các xã vùng đồng bào DTTS trong tỉnh Bình Thuận, hầu hết Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã, cán bộ các ban ngành đều là cựu học sinh của Trường PT DTNT tỉnh. Trong số hơn 200 học sinh huyện đảo Phú Quý theo học, đến nay hầu hết đều là cán bộ của đảo. Nhiều trường học trong tỉnh có cựu học sinh của Trường làm cán bộ giảng dạy, quản lý. Đơn cử, em Thông Thị Mỹ Dung hiện là Tổ trưởng chuyên môn của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Dung là học sinh của Trường PT DTNT Bình Thuận niên khóa 1999-2002”.

Cha K’Văn Kim và con gái K’Chiusa Mina đều là học sinh của Trường THPTDTNT Bình thuận
Cha K’Văn Kim và con gái K’Chiusa Mina đều là học sinh của Trường THPTDTNT Bình Thuận

Hiện nay, tổng số viên chức của Trường là 76 người; Chi bộ có 28 đảng viên. Tập thể thầy và trò Trường PT DTNT tỉnh tự hào vì đã làm tốt Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về việc nâng cao dân trí, tạo nguồn cán bộ, phát triển nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Sau 30 năm hoạt động, cơ sở vật chất của trường bắt đầu xuống cấp, trong chiến lược xây dựng trường 10 năm sắp tới, Trường mong được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học để Trường tiếp tục phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.