Có mặt vào “Ngày chủ nhật xanh” ở huyện nông thôn mới miền núi Đức Linh, chúng tôi cảm nhận cảnh quan tại các tuyến đường của thị trấn và các tuyến đường vào các xã đều “sáng, xanh, sạch đẹp”, nhiều con đường nở hoa rực rỡ. Tham quan những mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao như ruộng trồng khoai lang Nhật ruột vàng đang lên xanh tươi, những vườn rau thủy canh thích ứng với biến đổi khí hậu đã đến ngày thu hái, cảm nhận rõ hơn bước phát triển của một huyện nông thôn mới đang tiếp tục phấn đấu, sớm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Để có được một diện mạo Đức Linh như ngày hôm nay, nhiều năm về trước, huyện Đức Linh đã được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án, chính sách đầu tư của Trung ương và của tỉnh, trong đó có nhiều dự án đặc thù dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chương trình 327 đưa vốn về tận tay người dân để phủ xanh đất trống đồi trọc, Đức Linh có thêm mấy ngàn ha cao su. Tiếp đó, chính sách đầu tư cao su tiểu điền, góp phần mở rộng thêm diện tích cao su trên địa bàn huyện. Sau đó không lâu, xuất hiện những vườn cao su trung điền với diện tích lớn từ 50 - 300 ha. Những năm 2005 – 2006, nhu cầu sơ chế mủ cao su lên cao, bên cạnh nhà máy sơ chế của Công ty Cao su Bình Thuận, nhiều cơ sở chế biến mủ cao su tư nhân hình thành hoạt động nhộn nhịp, đã định hình rõ hơn ngành công nghiệp chế biến mủ cao su ở huyện miền núi Đức Linh. Nổi bật, năm 2011, giá mủ cao su sơ chế tăng từ mức dưới 30 triệu đồng/tấn lên 120 triệu đồng/tấn và đứng ở mức cao kéo sang năm 2013, đã nâng cao thu nhập người dân.
Trong khi đó, vùng phía Tây Nam của huyện hình thành vùng cây ăn trái đặc sản; phía Bắc huyện gồm các xã nằm dọc theo sông La Ngà tận dụng sự màu mỡ của vùng thung lũng đã phát triển cây lương thực, thành vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Song song đó, các nhà máy chế biến nông sản đi kèm cũng xuất hiện cùng với sự hình thành các liên kết sản xuất. Thời điểm này, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Đức Linh được triển khai. Được Trung ương và tỉnh tạo cơ chế để linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án, chính sách của Chính phủ và của tỉnh, Đức Linh đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện đã đồng bộ. Đặc biệt, hạ tầng giao thông đã tạo được kết nối tương đối thuận lợi trong nội huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Điểm nổi bật là toàn huyện đã đầu tư cứng hóa được 748 km đường bộ đạt tỷ lệ trên 87%, trong đó có 491 km đường giao thông nông thôn và đảm bảo có đường ô tô tới các thôn, xóm, tạo thuận lợi cho việc giao thương, đi lại và phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trên địa bàn huyện còn có 24 công trình thủy lợi, đáp ứng tưới cho 95% diện tích đất trồng lúa. Hệ thống lưới điện được thiết kế đảm bảo theo quy định của ngành điện, 100% xã sử dụng điện lưới quốc gia.
Đặc biệt, huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng xã, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo quy trình đồng bộ, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Năm 2020, thời điểm Đức Linh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 45,4 triệu đồng người/năm, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2011- thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng lên 60,240 triệu đồng, vượt mức thu nhập bình quân chung toàn tỉnh là 51,660 triệu đồng/người (thu nhập bình quân cao thứ 2 toàn tỉnh).
Giai đoạn 2021-2025, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), UBND huyện Đức Linh quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai tổ chức thực hiện tốt các tiểu dự án của Chương trình.
Cụ thể: Phân khai chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện chương trình MTQG theo quy định của Luật Đầu tư công; củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện Đức Linh giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo UBND các xã ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 gồm: xã Đông Hà, xã Trà Tân, xã Tân Hà, xã Đức Hạnh, xã Đức Tín, xã Nam Chính, xã Vũ Hòa, xã Mê Pu, xã Sùng Nhơn và xã Đa Kai; thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, năm 2003 của 3 chương trình MTQG…
Trong triển khai chính sách dân tộc cho đồng bào DTTS, UBND huyện Đức Linh đã ban hành các văn bản và cấp kinh phí hỗ trợ để thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” và Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” thuộc Chương trình MTQG 1719; đề xuất trang bị 60 Bộ máy vi tính cho các Trường tiểu học có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có học sinh đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; thực hiện chính sách cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ…
Ông Huỳnh Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết, Đảng bộ Đức Linh xác định trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp ở mức hợp lý. Hiện nay, huyện đang tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, gắn với nông nghiệp, bảo đảm theo hướng nâng chất lượng nông nghiệp. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị, thu hẹp mùa vụ theo hướng 2 năm 5 vụ (thay vì 6 vụ như trước đây), đẩy mạnh hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm thu nhập của người nông dân tăng lên. Huyện miền núi Đức Linh cũng đang phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.