Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trồng rừng gỗ lớn-Nhìn từ Quảng Ninh: Tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn (Bài 3)

Mỹ Dung - 14:15, 03/07/2024

Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó có chính sách phát triển trồng rừng gỗ lớn và cây bản địa trên địa bàn..., chính quyền địa phương, các ngành liên quan tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, đề xuất điều chỉnh bổ sung những quy định, cơ chế chính sách đặc thù phù hợp thực tiễn nhằm thu hút nhiều đối tượng tham gia trồng rừng gỗ lớn.

Lãnh đạo huyện Ba Chẽ cùng Hội nông dân huyện ra quân lễ phát động trồng rừng gỗ lớn
Lãnh đạo huyện Ba Chẽ cùng Hội Nông dân huyện ra quân Lễ phát động trồng rừng gỗ lớn

Vào cuộc tháo gỡ khó khăn 

Theo thông tin từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh, triển khai Nghị quyết 337, thực hiện thí điểm tại 2 địa phương (huyện Ba Chẽ và TP. Hạ Long), với tổng nguồn vốn ủy thác cho vay 26,4 tỷ đồng. Căn cứ vào danh sách được phê duyệt, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ chức hội nhận ủy thác, rà soát các chủ rừng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để triển khai thực hiện cho vay. Tính đến 31/5/2024, đã hỗ trợ cho 267 chủ rừng vay vốn số tiền 11,5 tỷ đồng, để đầu tư trồng rừng gỗ lớn với diện tích trồng được trên 550ha, dư nợ hiện nay 10,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng nhìn nhận, với hàng loạt khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn triển khai ở các huyện thí điểm như: Việc trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa có chu kỳ kinh doanh trên 10 năm, nên có thể gặp rủi ro như cháy rừng, thiên tai; Mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn loài cây dổi xanh, lim xanh, lát hoa còn thấp so với chu kỳ trồng rừng; đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 337 hiện nay chỉ là hộ gia đình, cá nhân; 

Đã xuất hiện tình trạng một số loài sâu bệnh hại trên diện tích rừng trồng tập trung cây lim, dổi, lát; công tác quản lý thực hiện trồng rừng gỗ lớn gặp nhiều khó khăn do lực lượng chuyên ngành mỏng, phải làm nhiều việc trong khi không có chế độ hỗ trợ... đã ảnh hưởng đến tâm lý của các chủ rừng khi muốn mở rộng diện tích trồng rừng; cũng như chưa thu hút được người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn.

Theo ông Vũ Duy Văn, thực tế này cũng đã được người dân và các huyện thí điểm trồng rừng gỗ lớn như Ba Chẽ; TP. Hạ Long phản ánh; Đồng thời, đề xuất với tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì tham mưu để UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 337. 

Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ kiểm tra hiệu quả trồng rừng gỗ lớn tại xã Nam Sơn
Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ Nguyễn Thành Long (người ở giữa) kiểm tra hiệu quả trồng rừng gỗ lớn tại xã Nam Sơn

Ông Văn cho hay, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, xác định phân vùng trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn của tỉnh, cụ thể đến từng địa phương, rà soát diện tích chồng lấn về rừng và đất lâm nghiệp, có tranh chấp để có những giải pháp xác định phạm vi, đối tượng cũng như ranh giới để thực hiện chính sách hiệu quả hơn. 

Cùng với đó, rà soát các quy định của Trung ương và kết quả của tỉnh Quảng Ninh để đánh giá, đề xuất chính sách trong giai đoạn tới, đề xuất Hội đồng Nhân dân tỉnh và các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù, nhằm đảm bảo đồng bộ các quy định của Trung ương, chỉ đạo của tỉnh để không gây khó khăn và chồng chéo trong quá trình thực hiện, đảm bảo hiệu quả và có tính khả thi cao.

Điều chỉnh chính sách đặc thù trồng rừng gỗ lớn

Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có Tờ trình số 575 -TTr/BCSĐ ngày 13/6/2024 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (thay thế Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021).

Việc trồng các loại cây gỗ lớn vừa nâng cao giá trị rừng, đồng thời còn góp phần bảo vệ đất đai, khí hậu, tài nguyên nước
Việc trồng các loại cây gỗ lớn vừa nâng cao giá trị rừng, đồng thời còn góp phần bảo vệ đất đai, khí hậu, tài nguyên nước

Theo đó, sẽ áp dụng Nghị quyết 337 trên địa bàn toàn tỉnh; đối tượng được hỗ trợ không chỉ là hộ gia đình mà còn hỗ trợ các hợp tác xã, các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), lực lượng vũ trang, tổ hợp tác từ hai gia đình trở lên; mức hỗ trợ giống từ 15 triệu đồng lên 20 triệu đồng/ha; vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách từ 20 triệu đồng/ha lên 30 triệu đồng/ha và còn nhiều điều chỉnh, bổ sung quy định khác phù hợp với thực tế, cũng như tháo gỡ vướng mắc..

Phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 7/2024 mới đây, ông Hoàng Trung Kiên, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (thay thế Nghị quyết số 337/2021) có nhiều điểm khác, ưu việt hơn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.

Hi vọng khi Nghị quyết 337 được điều chỉnh, bổ sung nội dung theo đề xuất của các địa phương, thì diện tích trồng rừng gỗ lớn sẽ tăng lên, góp phần phấn đấu đến năm 2025  toàn tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 5000ha lim, lát, dổi và 50% số hộ dân miền núi, hộ DTTS sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa; bảo đảm cho khoảng 60 đến 70 nghìn người có việc làm, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng..., theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TU đã đề ra.

Mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đặt ra đến năm 2025 sẽ tăng giá trị sản xuất từ rừng bình quân đạt 8%/năm, tăng trưởng khoảng 5,5%/năm, năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha giai đoạn 2022-2025, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 400.000m3/năm, sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu từ 3.500 tấn/năm như hiện nay lên 4.000 tấn/năm giai đoạn 2022-2025.