Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trồng rừng gỗ lớn-Nhìn từ Quảng Ninh: Lợi ích kép” (Bài 1)

Mỹ Dung - 10:15, 01/07/2024

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị Quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 về việc quy định một số chính sách đặc thù để phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy, nâng cao chất lượng nước và ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt góp phần tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho người dân vùng cao, vùng DTTS. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cả người dân và cơ sở đều đang gặp nhiều vướng mắc, cần phải có sự điều chỉnh để cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn hơn.

Với chủ trương trúng và đúng, các Nghị quyết đã tạo ra lan tỏa trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn
Với chủ trương trúng và đúng, các Nghị quyết đã tạo ra lan tỏa trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn

Không chỉ có thế mạnh về công nghiệp khai khoáng, du lịch, cảng biển, Quảng Ninh còn là địa phương có tiềm năng phát triển trồng rừng, trong đó việc trồng rừng gỗ lớn đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Những bước đi đầu tiên của việc trồng rừng gỗ lớn

Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 55%, với trên 370.000ha đất có rừng. Những cánh rừng xanh bạt ngàn là vành đai xanh bảo vệ biên giới, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo sinh kế cho người dân có thu nhập ổn định.

Triển khai dự án xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn, giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, tỉnh Quảng Ninh chuyển hóa được hơn 200ha rừng cung cấp gỗ nhỏ thành gỗ lớn, tại các huyện Hải Hà, Ðầm Hà, Ba Chẽ, Vân Ðồn và Hoành Bồ. Thực hiện dự án, các hộ dân tham gia mô hình được tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng để chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.

Anh Triệu Tiến Lộc, ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP.Hạ Long (Hoành Bồ cũ) được biết đến là một trong những hộ điển hình trong việc gìn giữ, nhân rộng rừng lim hàng chục năm tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, gia đình anh Lộc sở hữu gần 10ha rừng cây gỗ lớn, trong đó có tới 500 cây lim to mấy chục năm tuổi, cùng hàng trăm cây lim nhỏ.

Để có nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình, dưới tán rừng, anh Lộc trồng xen nhiều cây ngắn ngày (ba kích, trà hoa vàng). Đồng thời, anh cải tạo vườn đồi, đưa khu rừng quý này trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái. Không chỉ phát triển cánh rừng của gia đình, anh còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở địa phương tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng cây gỗ lớn.

Tại nhiều địa phương, người dân thu hoạch keo chuyển sang trồng rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao
Tại nhiều địa phương, người dân thu hoạch keo chuyển sang trồng rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao

Chính sách thiết thực từ thực tiễn

Trước những thành công bước đầu, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách để thúc đẩy công tác trồng rừng, điển hình là Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong cả nước về phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo tiền đề cho phát triển bền vững lâm nghiệp.

Đặc biệt, năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND (Nghị quyết 337) về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với chính sách này, hằng năm tỉnh sẽ dành 3% dự toán chi thường xuyên để đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp, đây là động lực để Quảng Ninh phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Thôn Tầu Tiên có 120 hộ gia đình, với 528 nhân khẩu, chủ yếu người Dao sinh sống. Nằm ở vị trí trung tâm phát triển của 6 thôn còn lại ở xã Đồn Đạc, Tầu Tiên được nhìn nhận là thôn có diện tích trồng rừng gỗ lớn đang phát triển mạnh. Điển hình là Người có uy tín Chíu Sồi Thoòng - một trong những người tiên phong đi đầu trong việc trồng rừng gỗ lớn.

Kể từ khi ông được tiếp nhận chủ trương, kế hoạch đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn của lãnh đạo địa phương, ông đã tham gia các khóa tập huấn do các đơn vị, ban, phòng liên quan tổ chức; nghiên cứu về lợi ích kinh tế, môi trường mang lại từ loại cây gỗ lớn. Ông tích cực vận động gia đình, người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây rừng, giảm dần diện tích rừng gỗ nhỏ là những cánh rừng cây keo sang tăng dần diện tích rừng gỗ lớn và các loại cây bản địa...

“Việc phát triển trồng rừng gỗ lớn đúng là sẽ mang lại lợi ích kép mà. Các gia đình trồng rừng không chỉ có kinh tế ngày một ổn định, thậm chí vươn lên làm giàu mà còn là biện pháp rất hiệu quả để bảo vệ môi trường, phòng chống lũ lụt nữa chứ”, ông Thoòng chia sẻ thêm.

Người Dao ở Đồn Đạc (Ba Chẽ) tích cực trồng cây dược liệu dưới những tán rừng gỗ lớn
Người Dao ở Đồn Đạc (Ba Chẽ) tích cực trồng cây dược liệu dưới những tán rừng gỗ lớn

Tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng (TP. Hạ Long), anh Bàn Văn Vy, Trưởng thôn Khe Phương thông tin, toàn thôn hiện có khoảng trên 360ha đất lâm nghiệp. Người dân đăng ký trồng cây rừng gỗ lớn khá nhiều, khoảng 3 - 4ha/hộ. Anh Vy nói: “So với cây keo, mặc dù lâu thu hoạch hơn nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn. Thổ nhưỡng ở đây lại rất phù hợp để trồng quế. Cao điểm nhất là năm 2021, 2022 bán rất được giá, cao điểm nhất khoảng 300 triệu/ha. Người dân phấn khởi lắm!”.

Có thể nói, những kết quả bước đầu trong chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn của Quảng Ninh đã từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức trong một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS về giá trị của rừng trồng gỗ lớn. Ðây cũng là động lực góp phần để Quảng Ninh cùng các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành lâm nghiệp. 

Tuy nhiên, việc triển khai trong thực hiện còn một số vướng mắc đã và đang cản trở sự lan tỏa, nhân rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn...