Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trồng rừng gỗ lớn-Nhìn từ Quảng Ninh: Vướng mắc trong chính sách hỗ trợ (Bài 2)

Mỹ Dung - 11:10, 02/07/2024

Tìm hiểu từ thực tế, hầu hết người dân cũng đã nhận thức được việc phát triển rừng gỗ lớn, khai thác, chế biến lâm sản từ rừng, không những đem lại thu nhập cao, cải thiện kinh tế mà còn có cơ hội tích lũy làm giàu bền vững. Thế nhưng, khi tiếp cận chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, người dân và địa phương khi triển khai đều gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khiến họ không còn mặn mà với việc tham gia trồng rừng gỗ lớn.

Còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách để nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn
Còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách để nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn

Nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện

Gia đình ông Chíu Sáng Hềnh, thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) hiện cũng đang trồng 0,5ha dổi và 0,4ha lim. Ông chia sẻ, khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động trồng rừng gỗ lớn, gia đình đã tích cực đăng ký trồng. Tuy nhiên, ông chia sẻ băn khoăn: “Gia đình cũng rất muốn trồng những cây ngắn ngày vì có nguồn thu nhanh, trồng cây dổi lâu thu hoạch lắm. Trong diện tích trồng dổi của gia đình có nhiều cây trồng được 7 năm rồi, nhưng cũng chưa thấy quả để có thu hoạch; cây lim lại càng lâu ấy chứ”.

Ông Chíu Sáng Hếnh đưa phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển thăm khu trồng cây rừng gỗ lớn của gia đình
Ông Chíu Sáng Hềnh đưa phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển thăm khu trồng cây rừng gỗ lớn của gia đình

Phản ánh về khó khăn vướng mắc trong trồng rừng gỗ lớn, anh Bàn Văn Vy, Trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng (TP. Hạ Long) cũng cho biết: Chủ trương là đúng, nhưng khi thực hiện các hộ đã gặp không ít khó khăn, nhất là việc cung cấp thông tin hợp đồng mua giống, báo giá, nguồn gốc cây giống để lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

“Lúc đầu thì nhiều hộ dân hào hứng đăng ký trồng lắm vì được hỗ trợ cây giống, nhưng khi thực hiện hồ sơ bị vướng mắc nhiều nên không ít hộ rút không thực hiện. Bình thường, người dân vẫn lấy giống ở chỗ quen tại địa phương, cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt, nhưng do không có hợp đồng mua bán giá, nguồn gốc xuất xứ nên không đủ điều kiện nộp hồ sơ. Chúng tôi rất mong muốn tạo điều kiện linh hoạt trong việc yêu cầu về điều kiện của đơn vị cung cấp giống để người dân có thể thuận lợi hơn trong việc tiếp cận hỗ trợ cây giống”, anh Vy nói.

Anh Bàn Văn Vy chia sẻ với phóng viên khó khăn trong việc tiếp cận chính sách trồng rừng gỗ lớn
Anh Bàn Văn Vy chia sẻ với phóng viên khó khăn trong việc tiếp cận chính sách trồng rừng gỗ lớn

Ngoài những lý do nêu trên, thực tế việc vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn cũng chưa thực sự thuận lợi, do nhận thức và trình độ dân trí còn hạn chế. Bao đời nay, các hộ ở những địa bàn này vẫn quen với việc trồng cây truyền thống như cây keo, chưa thực sự mặn mà với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng rừng gỗ lớn. Để triển khai được các Nghị quyết về trồng rừng gỗ lớn, cán bộ địa phương rất vất vả trong việc tuyên truyền vận động, hỗ trợ người dân làm các thủ tục về mặt hành chính.

Cần điều chỉnh cơ chế chính sách

Đồng Lâm là xã vùng cao của TP. Hạ Long với 98% là đồng bào Dao sinh sống, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp. Từ năm 2021-2023, thực hiện theo Nghị quyết 337/NQ-HĐND đã có 34 hộ dân được hỗ trợ với diện tích 88ha, số tiền hỗ trợ là 1.126 triệu đồng.

Ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm cho hay: Cán bộ xã phải là người đi nghiệm thu giai đoạn từ khâu xác nhận diện tích đất, cây giống, diện tích rừng trồng. Trong khi việc nghiệm thu diện tích lớn, cán bộ không nhiều, người dân trình độ còn thấp, tư tưởng còn bảo thủ, còn ỷ lại cho cán bộ xã trong việc hỗ trợ lập hồ sơ thanh toán nên xã cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Nghị Quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 về việc quy định một số chính sách đặc thù để phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Nghị quyết 337), chỉ áp dụng thí điểm hỗ trợ giống và vay vốn tại 3 địa phương là huyện Ba Chẽ và TP. Hạ Long và 1 phần của TP. Cẩm Phả; đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chỉ là hộ gia đình, cá nhân không hỗ trợ các tổ chức doanh nghiệp; mức hỗ trợ giống 15 triệu đồng/ha (phải có hợp đồng cung cấp giống); mức cho vay vốn ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội là 20 triệu đồng/ha, tối đa không quá 200 triệu đồng/hộ.

"Có một số loại cây giống theo danh mục loài cây gỗ lớn, cây bản địa được ban hành kèm theo Nghị quyết 337 rất khó tìm đơn vị cung cấp cây giống đảm bảo theo quy định, như cây re gừng, cây đàn hương. Rất mong có điều chỉnh quy định về hồ sơ được hỗ trợ, như giảm bớt các khâu nghiệm thu, quy định về đơn vị cung cấp giống theo hướng đơn giản, thực tế của người dân địa phương đang thực hiện”, ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm phản ánh.

Buổi ra quân trồng rừng gỗ lớn thôn Cài, xã Đồng Lâm
Buổi ra quân trồng rừng gỗ lớn thôn Cài, xã Đồng Lâm

Tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ việc trồng rừng gỗ lớn được triển khai từ năm 2021. Theo đó, năm 2021 và năm 2022, địa phương chủ yếu là trồng quế, đến nay đạt khoảng 600ha; Năm 2023, toàn xã trồng được 13ha lim, 18ha dổi... Theo lãnh đạo UBND xã, hiện Đồn Đạc có 2 cán bộ địa chính phụ trách mảng trồng rừng gỗ lớn. Với diện tích rất lớn nên dù phải đưa cán bộ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cán bộ bán chuyên trách... hỗ trợ trong việc thẩm định, kiểm tra thực địa nhưng cũng phải kéo dài cả 2 tháng trời.

"Chúng tôi cũng phải đưa kiểm lâm địa bàn vào phối hợp cùng đi hết các tổ, hướng dẫn khoanh ô. Thực tế còn khó khăn trong khâu bố trí cán bộ xử lý khâu thẩm định, hồ sơ rất nhiều”, anh Triệu Quý Làu, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc thông tin.

Được biết, huyện Ba Chẽ là địa phương trồng nhiều rừng gỗ lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa là gần 2.687ha. Theo lời ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ việc trồng rừng gỗ lớn ở Ba Chẽ chưa tương xứng với tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng. Tuy nhiên, cái khó là chu kỳ trồng rừng với cây gỗ lớn là lâu năm, ít nhất là trên 10 năm, thậm chí 70 năm nên việc vận động người dân tham gia còn rất khó khăn, trong khi đó đơn giá trồng rừng thấp nên người dân chưa thực sự mặn mà.

Ông Tú cho hay, Nghị quyết 337 chủ yếu là hỗ trợ hộ dân thực hiện, mà chưa có chính sách hỗ trợ, chi phí đối với các đối tượng liên quan đến việc triển khai trồng rừng gỗ lớn; chưa có chính sách thu hút các hợp tác xã, tổ hợp tác, các đơn vị tham gia trồng rừng gỗ lớn; việc triển khai hỗ trợ chỉ thực hiện ở những mô hình thí điểm, thế nên việc triển khai người dân trồng đại trà rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện cũng như toàn tỉnh Quảng Ninh chưa được nhiều; trên diện tích trồng hiện nay xuất hiện một số loài sâu bệnh... Đây là những khó khăn, vướng mắc rất cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Trên thực tế, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 337, người dân và chính quyền tỉnh Quảng Ninh đều gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Đáng chú ý, những khó khăn này đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng như các cơ quan chức năng lắng nghe và tiếp thu...; Theo đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng đang có những đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế...