Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn rất nhiều lần tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, đến năm thứ 5 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 40 triệu đồng/ha. Thế nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10 năm trồng mới tiến hành khai thác thì hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 25cm. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ nguyên liệu, gỗ chế biến với giá trị 1,8-2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 150-180 triệu đồng/ha, cao gấp 3-5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ.
Đối với rừng trồng gỗ lớn là các loài cây khác keo như: huê, lim xanh, dổi... còn cho giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, mô hình trồng rừng gỗ lớn đối với người dân huyện Minh Hóa đang khá mới mẻ. Mặc dù nhận thấy nhiều lợi ích từ rừng trồng gỗ lớn nhưng do khó khăn về vốn, thời gian chăm sóc kéo dài... nên người dân vẫn chấp nhận “ăn non” để trang trải cuộc sống và quay vòng vốn.
Để người dân có điều kiện được tiếp cận với các giải pháp về kỹ thuật và có thêm nguồn lực, tham gia, huyện Minh Hóa đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nhân dân thực hiện mô hình này. Trong năm 2018, huyện đã hỗ trợ tổng số tiền trên 598 triệu đồng để nhân dân mua trên 285.000 cây keo lai nuôi cấy mô. Từ nguồn kinh phí trên 700 triệu đồng thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ nông dân 3 xã: Hóa Hợp, Minh Hóa và Trung Hóa mua gần 334.000 cây keo lai. Hỗ trợ xã Hóa Phúc trên 8,8 triệu đồng để đưa 4.200 cây keo lai về cho nhân dân trồng. Kết quả, trong năm 2018, nhân dân toàn huyện đã trồng được trên 111ha diện tích keo lai nuôi cấy mô, trồng được 16ha rừng hỗn hợp tại 13 xã.
Để nhân dân huyện Minh Hóa tiếp cận nhanh với chủ trương trồng rừng gỗ lớn, đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Bình phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Minh Hóa triển khai Dự án: Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Dự án chọn 2 xã Hóa Hợp và Hồng Hóa để thực hiện mô hình này. Có tổng số 20 hộ được tập huấn, hỗ trợ giống cây, phân bón để thực hiện mô hình với quy mô 27ha. Giống cây keo lai nuôi cấy mô thuộc các dòng BV10 và BV16. Sau hơn 8 tháng trồng và chăm sóc, với sự hưởng ứng, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các xã thực hiện mô hình, kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy: tỷ lệ sống sau trồng dặm đạt cao 98-99%, chiều cao cây trung bình đạt từ 2,0-2,2m, đường kính gốc trung bình đạt từ 1,2-1,5cm, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Các hộ trồng rừng đảm bảo mật độ, sử dụng và đối ứng phân bón theo đúng yêu cầu.
Ông Đinh Minh Việm ở thôn Văn Hóa 1, xã Hồng Hóa phấn khởi thông tin: Ban đầu, tôi và nhiều hộ dân cũng ngại đăng ký tham gia, bởi vì chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài từ 12-15 năm, gấp 2-3 lần chu kỳ trồng rừng gỗ nhỏ. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện nhiệt tình hướng dẫn, giải thích, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. Chưa đến chu kỳ thu hoạch nhưng sau 8 tháng, mô hình đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Cây được trồng với mật độ hợp lý, chăm sóc đúng kỹ thuật đã hạn chế xói mòn, bảo vệ nguồn nước và gia đình cũng không mất nhiều công chăm sóc, chặt tỉa.
Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp- Nguyễn Thanh Quyết nhận xét: Qua kiểm tra và nắm tình hình trong dân, bà con rất phấn khởi và đánh giá rất cao về tốc độ lớn nhanh của giống keo lai nuôi cấy mô này, xã đang tiếp tục tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của huyện để nhân dân đăng ký chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn.
Năm 2019, huyện Minh Hóa tiếp tục có những chính sách trợ giá, hỗ trợ kỹ thuật trồng rừng. Hy vọng với sự hỗ trợ thiết thực này, sẽ góp phần đưa diện tích rừng gỗ lớn của huyện ngày càng phát triển, để trong tương lai, người dân sẽ nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo bền vững.
THÙY LINH