Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Minh Thu - 17:06, 03/08/2024

Những năm gần đây, nhiều nông dân, trang trại và các Hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Lâm Đồng đã và đang áp dụng rộng rãi mô hình trồng rau thủy canh tuần hoàn trong nhà màng. Mô hình được đánh giá là tiết kiệm nước tưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công nhân trang trại Langbiang Farm đang sơ chế rau trước khi đóng gói cho vào kho lạnh.
Công nhân trang trại Langbiang Farm đang sơ chế rau trước khi đóng gói cho vào kho lạnh

Khẳng định chất lượng sản phẩm

Quá trình áp dụng của nông dân cho thấy, đây là mô hình sản xuất tiết kiệm nước, giúp các trang trại tiết kiệm khoảng 40% lượng nước so với sản xuất rau trên đất. Ngoài tiết kiệm nước, sản xuất rau thủy canh tuần hoàn còn giúp nông dân rút ngắn thời gian sản xuất, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch.

Thạc sĩ Ngô Xuân ChinhViện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam

Gần 2 năm trước, gia đình ông Tô Quan Dũng ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đã bắt đầu triển khai mô hình trồng 1,5ha rau, củ, quả bằng hình thức thủy canh và áp dụng công nghệ cao để sản phẩm đạt chất lượng.

Thời gian đầu thực hiện, ông Dũng gặp nhiều khó khăn trong việc pha chất dinh dưỡng cho cây trồng, giàn thủy canh chưa được thiết kế đúng kỹ thuật nên bị tắc, nghẽn mạch nước tưới… Nhưng, ông Dũng đã vượt qua các khó khăn đó bằng cách tìm kiếm và học hỏi những mô hình thủy canh đã thành công. Hiện nay, ông Dũng đã thành công với mô hình trồng rau thủy canh với 2 giống rau xà lách Crispenya và Crispyano (thường gọi là xà lách thủy tinh). Đồng thời, ông Dũng thành lập Công ty để mở rộng sản xuất, thị trường.

Hiện tại, rau xà lách của gia đình ông Dũng đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Riêng thị trường Hàn Quốc, ông đáp ứng khoảng 100 tấn rau cho 2 tháng và thu về lợi nhuận khá cao.

HTX Meli Green Farm đang tạo công ăn việc làm cho gần 10 nhân công tại xã Mê Linh và vùng lân cận.
HTX Meli Green Farm đang tạo công ăn việc làm cho gần 10 nhân công tại xã Mê Linh và vùng lân cận

Tại vùng đất Lâm Hà, Hợp tác xã (HTX) Meli Green Farm, có trụ sở tại Buôn Chuối, xã Mê Linh đã khẳng định được chất lượng sản phẩm và trở thành mô hình rau thủy canh đầu tiên ở địa phương này.

Hoàn thiện trên 5.000m2 nhà kính với 70.000 cây rau sạch trồng theo phương pháp thủy canh, từ nhiều năm nay, mô hình trồng rau thủy canh của HTX Meli Green Farm được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn công nghệ Israel. Quy trình chăm sóc cây trên hệ thống được điều khiển tự động giúp cây luôn đầy đủ dưỡng chất và phát triển trong điều kiện sản xuất tốt nhất.

Hiện tại, mỗi ngày, HTX Meli Green Farm xuất đi 2.000 - 2.500 cây rau thủy canh (khoảng 500 - 800kg), với giá bán bình quân 6.000 - 7.000 đồng/cây và khoảng 28.000 - 32.000 đồng/kg.

Sau nhiều nỗ lực đưa cây rau thủy canh về Mê Linh phát triển, HTX Meli Green Farm đang tạo công ăn việc làm cho gần 10 nhân công tại xã Mê Linh và một số xã lân cận với mức lương trung bình là 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ cách làm bài bản và sản phẩm đạt chất lượng, những cây rau thủy canh của HTX Meli Green Farm đã được cung ứng vào các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành khu vực Tây Nguyên và miền Tây Nam bộ. Sắp tới, HTX chủ trương mở rộng thị trường sang một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cách làm truyền thống.
Trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cách làm truyền thống

Đồng hành cùng nông dân

Theo Lãnh đạo huyện Lâm Hà, tại địa phương, Meli Green Farm là HTX đầu tiên thành công với mô hình trồng rau thủy canh. Đây cũng là định hướng phát triển nông nghiệp và chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân đầu tư.

Đối với HTX Meli Green Farm, trong thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ từ các phòng, ban chức năng của huyện Lâm Hà trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đăng ký, đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương. Điều này đã góp phần khích lệ các doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cao cho người nông dân…

Công nhân thu hoạch rau trong nhà màng sản xuất rau thủy canh tuần hoàn (Ảnh: Sơn Trang).
Công nhân thu hoạch rau trong nhà màng sản xuất rau thủy canh tuần hoàn. (Ảnh: Sơn Trang)

Theo Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 300ha trồng rau thủy canh tuần hoàn. Quá trình áp dụng của nông dân cho thấy, đây là mô hình sản xuất tiết kiệm nước, giúp các trang trại tiết kiệm khoảng 40% lượng nước so với sản xuất rau trên đất. Bên cạnh đó, toàn bộ nước mưa rơi trên mái nhà màng được nhiều trang trại dùng các giải pháp thu gom và sử dụng trong sản xuất rau.

Ngoài tiết kiệm nước, sản xuất rau thủy canh tuần hoàn còn giúp nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao khi rút ngắn thời gian sản xuất của mỗi chu kỳ từ 20 ngày đến một tháng, giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 10% so với mức 30% của sản xuất thông thường. Rau thủy canh được trồng trong nhà màng, ngăn chặn rất tốt sâu bệnh xâm nhập nên hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nên thường có giá bán cao hơn nhiều so với rau thông thường…


Tin cùng chuyên mục
Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận: Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận: Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận là một trong những cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ ngày thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã huy động các nguồn lực xã hội chăm lo dạy tốt, động viên học sinh thi đua học tốt. Nhiều học sinh tốt nghiệp từ Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận tiếp tục học lên đại học, các bậc học cao hơn và trở thành cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.