Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung gắn với bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Các tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn; đảm bảo tốt việc truy xuất nguồn gốc; trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương, ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến để đạt năng xuất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, đa dạng chủng loại, có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổ chức sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt diện tích khoảng gần 1.500ha, sản lượng đạt trên 24.000 tấn. Trong đó: Tỷ lệ diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất an toàn đạt trên 90%. Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, được cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chiếm khoảng 10% trở lên. Các địa phương ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đặc trưng, mang tính vùng, miền và thế mạnh của mình. Tỷ lệ diện tích rau tham gia liên kết sản xuất đạt trên 10%.
Trong đó, nhóm rau chủ lực gồm: Rau ăn lá các loại (mồng tơi, dền, rau muống, rau ngót, cải các loại); rau họ đậu các loại (đậu đũa, đậu co – ve...); rau củ quả các loại (dưa hấu, dưa chuột, cà chua, cà tím, bầu, bí, mướp, khổ qua...); rau gia vị hàng năm (hành, tỏi, rau mùi, rau húng, tía tô, ớt cay...).